Không dữ dằn như cách nay 4 năm nhưng khai mạc Festival Huế 2010 cũng là một đêm mưa. Sân khấu ngập nước. Khán đài ngập ngước. Nghệ sĩ biểu diễn trong mưa. Chợt thấy thương cô gái Nga ngã bước trong điệu nhảy đã vội đứng dậy để cuộc vui cứ thế tiếp tục. Phía dưới người xem cũng như quên mất rằng, trời Huế đang mưa.
Nhà văn Trần Thùy Mai kể một người bạn ở xa mail cho chị: “Té ra mưa cũng hay, càng có nhiều kỷ niệm”. Rồi chị bảo: “Chắc chắn đối với những người làm Festival văn hóa Huế thì mưa càng làm cho họ nhiều kỷ niệm đứng tim hơn”. Sau đêm mưa trời lại sáng. Tháng sáu trời mưa như làm tan đi sự oi nồng của những ngày hè nóng rát.
Lễ hội "Sắc màu Thanh Tiên"
Buổi sáng chủ nhật về Phú Mậu cùng họa sĩ Thân Văn Huy khai hội “Sắc màu Thanh Tiên”, tôi cảm nhận được những giọt nước long lanh của đêm mưa vẫn còn đọng lại trên nhành lá khế. Cảm giác nhẹ nhàng và dịu mát hơn cũng bắt gặp ở “Chợ quê ngày hội” đông vui trên chợ dưới thuyền ở vùng quê Thủy Thanh thân thương. Buổi tối đến với sân khấu cung An Định, cơn mưa nhẹ như khiến các đôi trai gái tạo được cớ vui để được gần nhau hơn, giữ lại và khắc ghi một kỷ niệm khó quên. Tôi nghe nghệ sĩ đa tài Shlomo Gronich đến từ Ixraen nói bằng sự phấn khích trong buổi diễn ở cung An Định sau một bài hát, rằng: “Tôi đang diễn dưới trời mưa. Tôi đang diễn dưới trời mưa”.
Ai đó đã ví mưa Huế như o gái Huế âm thầm và khó hiểu. Với Huế, một cơn mưa kéo dài vài ba hôm là bình thường. Mưa cả tuần, cả tháng, có khi kéo dài cả hai năm, từ năm cũ bước sang năm mới. Huế không mưa mới là chuyện lạ.
Buổi sáng ngồi hàn huyên cùng ông Lê Viết Xê, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng ban Tổ chức Festival Huế, một con người của Festival Huế, tôi vẫn gọi thế, đề tài cứ xoay quanh đến chuyện mưa trong Festival Huế. Dạo còn đương chức, ông Xê có hẳn 2 “Festival mưa” để mà nhớ mãi. Đó là năm 2000 Huế lần đầu tiên tổ chức Festival sau cơn đại hồng thủy 1999 và Festival Huế 2004 gầm gừ trong những trận mưa dữ dội của cơn áp thấp nhiệt đới tháng năm.
So với dạo ấy mới thấy tháng sáu trời mưa hôm nay như những điểm xuyết đẹp của một Festival Huế hội nhập và phát triển. Khách thập phương tìm về Huế, đến với Festival Huế, đến với nắng, với gió và cả những cơn mưa bất chợt. Người biểu diễn cứ biểu diễn, người xem cứ xem, người xem ngày càng đông…
Định hình rồi một không gian, một thời điểm cho Festival Huế khai hội. Tháng sáu cũng là lúc chúng ta tiến vào tháng 5 âm lịch, thời điểm mà xưa kia nói như một nhà văn Huế, ông cha ta kiêng hết mọi hoạt động vì là cao điểm của nắng nóng và khô hạn. Mới hay, mới thấm thía cùng Nguyên Sa, vào rồi đêm hội vui Festival Huế, “Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”.
Đan Duy