Cũng như nhiều mùa mưa lũ trước, Bảo tàng đã phải huy động 500 tấm ni lông “chạy” lũ cho cổ vật. Tại Di Luân Đường, gian trưng bày chính của Bảo tàng, nước dột xối xả. Nước lênh láng khắp nền nhà. Một số du khách nước ngoài cất công lặn lội đến đây đành tần ngần nhìn cảnh bảo tàng đóng cửa rồi lặng lẽ ra về…
Câu chuyện trên không mới. Cứ lặp đi lặp lại hàng chục năm nay và năm sau lại trầm trọng hơn năm trước. Chỉ riêng trong năm 2009-2010, không ít bài báo đã ‘‘kêu cứu” cho hàng ngàn hiện vật ấy. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã phát công văn yêu cầu địa phương giải trình. Không ít đoàn khảo sát của tỉnh cũng đã về tận nơi để kiểm chứng, đề xuất, kết luận… Nhưng đâu cũng hoàn đấy.
Hiện vật Chăm pa trưng bày tại Di Luân Đường - ảnh tư liệu của HP
Báo cáo gửi UBND tỉnh của Bảo tàng cho thấy, hiện tại đây đang bảo quản, trưng bày hơn 22.000 hiện vật, là linh hồn, là lịch sử của một vùng đất nhưng cơ sở chỉ có 4 nhà kho chưa khép kín. Nhiều thiết bị do đó dù đã được trang cấp như máy hút bụi, hút ẩm, điều hòa để bảo quản hiện vật từ năm 1995 đến nay đành nằm xó, không sử dụng được. Toàn bộ ba dãy trưng bày của bảo tàng do xuống cấp, dột nát nên mỗi khi mưa xuống, nước xối vào nhà như ở ngoài trời…
Một điều khó hiểu là chuyện tìm địa điểm mới cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng đã được nói đến hơn 10 năm nay, với không biết bao nhiêu văn bản kiến nghị, đề xuất, bao nhiêu cuộc họp nhưng đến nay, cả người trong cuộc cũng không biết đến khi nào, hàng ngàn hiện vật quí mới được an phận. Trong số 22.000 hiện vật lay lắt ấy, có cả chiếc bệ thờ Vân Trạch Hòa 2.000 năm tuổi vừa được đi triển lãm tại nhiều thành phố ở Mỹ với số tiền bảo hiểm lên đến 2,5 triệu USD. Có cả 4 khẩu thần công khắc 4 chữ “Minh Mạng ngũ niên” mà theo giới cổ vật, mỗi khẩu trị giá hàng tỷ đồng nhưng nhiều năm qua phải phơi nắng, phơi mưa tại di tích Quốc Tử Giám. Riêng nhiều xe tăng, pháo là hiện vật của Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ bấy lâu cũng nằm ngoài trời. Bảo tàng đã phối hợp với Viện khí hóa Bộ Quốc phòng xây dựng đề án bảo quản từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí dù năm nào Bảo tàng cũng đưa vào kế hoạch hoạt động…
Không lẽ, việc kiếm cho Bảo tàng một vị trí tương xứng, thuận lợi giữa lòng phố Huế lại chậm đến thế sao?
Tiểu Muội