ClockThứ Năm, 27/05/2010 13:25

Sao phải đợi đến Festival?

TTH - Sau những tác phẩm sắp đặt khá ấn tượng, trước thềm Festival Huế 2010, họa sĩ Đinh Khắc Thịnh lại có thêm một ý tưởng mới, là “mặc tranh” cho cầu Trường Tiền. Theo ý tưởng này, các mố của cây cầu sẽ được phủ những bức tranh ngộ nghĩnh, tươi vui của trẻ em. Chiếc cầu quen thuộc của Huế trong phối cảnh từ ý tưởng này bỗng xinh tươi một cách đáng yêu .
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có một lý do cơ bản là cầu Trường Tiền đã quá tải trong dịp Festival Huế 2010 (theo Ban tổ chức, những ngày lễ hội sôi động này, cầu Trường Tiền sẽ được sắp đặt 1000 con diều. Chưa kể, lòng cầu sẽ là nơi quảng diễn mỹ thuật với một bức tranh liên hoàn của 100 họa sĩ…), ý  tưởng của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh vì thế rất đáng tiếc, đã không ra mắt công chúng dịp Festival tới.
 
Thôi thì lần này chưa được duyệt, ý tưởng hãy còn đó. Nhưng người viết lại nảy ra một suy nghĩ: Tại sao cứ nhất nhất phải đợi đến Festival ?
 
Còn nhớ cách đây hơn 5 năm, họa sĩ Lê Bá Đảng bắt đầu từ Pháp về Huế. Một trong những việc đầu tiên ông làm là có một buổi nói chuyện với hàng trăm sinh viên mỹ thuật Huế. Lần đó, ông cứ nhấn đi nhấn lại một tham vọng: Làm sao biến Huế thành một kinh đô mỹ thuật.
 
Theo ông, với ý tưởng của các họa sĩ, chúng ta có thể tạo nên những chiếc xích lô chỉ riêng có ở Huế. Chúng ta cũng có thể thay những vạch sơn trắng đơn điệu dành cho nguời đi bộ bằng cách khảm lên các họa tiết. Những cây xanh bên đường cũng có thể được khoác những chiếc áo riêng cho nó…Sự phối hợp giữa họa sĩ với các làng nghề cũng có thể cho ra những sản phẩm mỹ nghệ đặc trưng để bán cho du khách. Đó là cách để tạo sự riêng biệt, giữ nét nên thơ và giấu đi những góc xù xì của Huế trong quá trình đô thị hóa. Và đó là cách để Huế có thể sống được bằng du lịch.
 
Với cái nhìn cởi mở, những năm gần đây, Huế đã tạo điều kiện ‘‘bật đèn xanh’’ cho nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện như sắp đặt, vidio art và thậm chí là cả với Graffity. Thế nhưng, gần như mọi ý tưởng, các tác phẩm đều chỉ đợi đến các kỳ Festival để nở rộ. Ví dụ như với Festival Huế 2010 sắp tới, với yêu cầu càng ngày càng phải quy mô, hoành tráng và có cái mới, sẽ là một khối ngồn ngộn các chương trình nghệ thuật và hoạt động cộng đồng hưởng ứng tại các công viên, đường phố, khách sạn…Nhiều đến nỗi, du khách, người thưởng lãm chắc chắn sẽ phải “cân não” để chọn chương trình. Để rồi sau lễ hội, Huế lại trở về im ắng.
 
Có lẽ không cần đợi đến Festival, những ngày thường, những cái mố xù xì, thô cứng của cầu Trường Tiền nếu được phép và có kinh phí để  khoác lên một lớp graffity hay được dán lên những bức tranh không thấm nước…thì sẽ hay biết bao. Và không riêng với cầu Trường Tiền, việc làm mới, làm lạ cho Huế nhưng không đánh mất bản sắc đang là nhu cầu thường xuyên của thành phố văn hóa, du lịch này mà ý tưởng của họa sĩ Lê Bá Đảng chính là một bản quyền. 
Kim Oanh 
                                                                      
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top