ClockThứ Năm, 05/02/2015 06:35

Quy mô và lợi nhuận

TTH - Trong chăn nuôi, ai cũng biết giải pháp về con giống là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. Đương nhiên nó phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp khác - trình độ người nuôi, nguồn thức ăn phù hợp, chế độ chăm sóc, môi trường, thị trường, kiểm soát dịch bệnh… Xét như vậy để thấy rằng, muốn phát triển chăn nuôi khó có thể phát triển một cách đại trà được. Một việc khác là phải tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn, nên người chăn nuôi muốn có lãi phải thực hiện ở một quy mô phù hợp nào đó. Nuôi đàn bao nhiêu con mới tự giải quyết được công ăn việc làm cho mình? Nuôi quy mô bao nhiêu mới có khả năng khấu hao vốn đầu tư xây dựng cơ bản? Muốn có tích lũy phải nuôi quy mô đàn ra sao?

Nhìn vào quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 – 2015, chúng ta thấy, ít nhất định hướng phát triển đàn lợn giống không đạt như quy hoạch nêu ra.

Theo quy hoạch, muốn phát triển đàn lợn, giải pháp về con giống là thực hiện chương trình nạc hóa đàn lợn. Nhập giống lợn ngoại thuần, đầu tư phát triển nuôi 2.000 lợn nái F1. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng đến thời điểm này, có thể nói chương trình tạo 2.000 lợn nái F1 khó mà đạt được. Cả tỉnh mới chỉ hình thành được một trại giống lợn siêu nạc với quy mô khoảng 300 con, cung cấp mỗi năm chừng 7.000 con giống. Chưa có một trại nuôi lợn nái F1, F2 nào trên địa bàn tỉnh hình thành, có chăng chỉ là quy mô rất nhỏ trong các hộ gia đình, mà cũng chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp. Ai cũng biết, cách chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ như vậy rất khó kiểm soát dịch bệnh, vì vậy cũng khó phát triển bền vững.

Những người có kinh nghiệm về chăn nuôi cho biết, nếu tạo được đàn lợn nái giống F2 sẽ cho ra lợn con nuôi thương phẩm rất tốt. Tỷ lệ nạc đạt chẳng thua kém mấy so với lợn siêu nạc. Tuy nhiên giống lợn hướng nạc dễ nuôi hơn giống lợn ngoại 100%, phù hợp với trình độ của nông dân. Một nghiên cứu của tác giả Phùng Thăng Long (Trường đại học Nông Lâm Huế) cùng cộng sự cho biết, về khả năng sinh trưởng của lợn lai ¾ máu ngoại với công thức tự phối trộn thức ăn với những sản phẩm tận dụng ở địa phương theo một công thức nhất định cho thấy tỷ lệ tăng trọng tương đương với cách sử dụng thức ăn chế biến công nghiệp.

Ở Thừa Thiên Huế, quy mô chăn nuôi lợn phát triển kém hơn nhiều tỉnh Nam Trung bộ. Có nhiều xã quy mô đàn chỉ chừng hơn 2.000 con. Mà chủ yếu là lợn thương phẩm địa phương hoặc F1. Nói như thế để thấy rằng, thị trường tiêu thụ còn rất lớn, nếu như chăn nuôi được lợn chất lượng tốt.

Nuôi lợn thương phẩm F2, F3 được cho là phù hợp với bà con nông dân bởi những ưu điểm: Phù hợp với trình độ, thói quen và tập quán là tận dụng thức ăn sẵn có ở địa phương; Phù hợp với điều kiện chuồng trại của bà con nông dân; Phù hợp với điều kiện kinh tế.

Chương trình nạc hóa đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mấy năm qua, kéo dài trong năm 2015. Và không biết có còn tiếp tục. Theo những thông tin chúng tôi được biết, chương trình được thực hiện như sau: ai có điều kiện tham gia chương trình thì đăng ký. Sau khi nuôi được một nái hướng nạc thì được hỗ trợ bao nhiêu kinh phí, tùy theo chất lượng giống là hướng nạc hay siêu nạc.

Nếu muốn phát triển đàn giống như kỳ vọng, chúng ta nên đi theo hướng tập trung trở thành một trại sản xuất giống để cung cấp cho người nuôi. Vì như trên đã nói, phát triển như vậy chúng ta dễ kiểm soát được dịch bệnh ngay từ đầu, mới thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Hơn nữa, khi trình độ người nuôi chưa cao, chăn nuôi các giống lợn lai là một bước “tập sự”, khi có đủ kinh nghiệm sẽ nâng lên một nấc cao hơn. Như thế sẽ an toàn hơn nhiều trong phát triển.

Nguyên Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top