ClockThứ Tư, 19/09/2012 16:42

Phòng, chống tham nhũng – hành động cụ thể

TTH - Từ năm 2005, trong kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Chấp hành Trung ương khóa X, tại Hội nghị lần thứ ba cũng đã có Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích của nhân dân, nhiều cán bộ, đảng viên đã giữ gìn phẩm chất, đạo đức “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” như lời dạy của Bác Hồ trong di chúc Bác để lại. Không chạy theo danh lợi vật chất, không lợi dụng chức quyền để thu vén cho gia đình. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã gương mẫu tu dưỡng đạo đức cách mạng, để lại niềm tin lớn trong nhân dân. Đa số cán bộ đã nghỉ hưu, tuy cuộc sống còn chật vật nhưng vẫn giữ được phẩm chất của người đảng viên chân chính, được nhân dân kính trọng. Họ sống cuộc sống giản dị, gần dân, không xa hoa chạy theo lợi ích vật chất. Song qua thực tiễn những năm gần đây, khi đất nước mở cửa hội nhập, tiền tài, vật chất đã len lỏi cám dỗ con người, nhiều cán bộ đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phẩm chất đã sa vào lợi ích cá nhân, tham lam danh lợi, lợi dụng chức quyền để thu vén cho gia đình. Nghị quyết Trung ương III khóa X đã nhận định: Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

 

Thực tế cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên vào Đảng không phải vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân mà vì quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Khi có chút chức quyền, địa vị, họ xoay xở bổng lộc, đi xe đắt tiền, có nhà ở đàng hoàng rồi còn tìm cách có thêm đất, thêm nhà to lớn, sang trọng hơn. Có cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho vợ con, người thân làm điều sai trái. Thời bao cấp, trong dân gian có câu “một người làm việc bằng hai; để cho cán bộ mua đài, mua xe”. Ngày nay không còn là chuyện mua đài, mua xe nữa mà đặc quyền, đặc lợi diễn ra “cao cấp” hơn với những villa, biệt thự, bổng lộc “ngập trời”, đất đai dư thừa, tiền tài đủ loại. Sự giàu sang nhanh chóng của một số cán bộ, đảng viên làm cho nhân dân hoài nghi, thắc mắc, mất niềm tin.

 

Tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài nguyên rừng, trong bố trí nhân sự, trong hoạch định chính sách, xoay chạy dự án... Đó là nguồn thu bất chính từ “thế giới ngầm” mà nhân dân hay nói là lợi ích nhóm.

 

Một số cán bộ, đảng viên có tư tưởng muốn kiếm lợi thì phải giành được chức quyền. Quyền và lợi thường đi đôi với nhau. Tất nhiên không phải ai cũng như vậy. Cán bộ tốt vẫn là số đông. Song cán bộ cơ hội không còn là cá biệt nữa. Chính vì vậy mà tinh thần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, chống lãng phí của Đảng đang dấy lên trong nhân dân cả nước một quyết tâm mới. Dễ nhận thấy là tính xung kích của công luận.

 

Tuy vậy, chống tham nhũng là một cuộc chiến hết sức cam go, phức tạp và lâu dài. Nếu quyết tâm không trở thành hành động cách mạng quyết liệt thì không thể phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Tham nhũng ngày càng biểu hiện dưới nhiều chiêu thức tinh vi khó nắm bắt, buộc chặt. Cho nên không thể chỉ một vài giải pháp đơn lẻ là có thể thực hiện được việc đẩy lùi và ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí.

 

Đã đến lúc cần có những hành động cụ thể. Xin mạnh dạn nêu vài ý kiến. Trước hết, cần tổ chức những trận quyết chiến với tham nhũng có điểm, có diện. Phải tẩy sạch tham nhũng trên tinh thần là một cuộc cách mạng thực sự trên 3 mặt: Tư tưởng, văn hóa - Tổ chức - Tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Về tư tưởng, văn hóa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, tham lam ích kỷ. Về tổ chức, kiên quyết loại trừ cán bộ, đảng viên tham nhũng ra khỏi các cơ quan công quyền. Về tác phong công tác, phải khắc phục triệt để tệ quan liêu, xa rời quần chúng, coi thường nhân dân.

 

Trong xử lý cán bộ tham nhũng, phải đoạn tuyệt tư tưởng và phương pháp lãnh đạo đối với các hình thức như xử lý nội bộ, bao che ô dù, dĩ hòa vi quý, quan xử theo lễ, dân xử theo hình...

 

Để chống tham nhũng có hiệu quả cần có một tổ chức chuyên sâu ở các cấp, các ngành với mạng lưới hoạt động công khai và bí mật, theo dõi thường xuyên những người và vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để kịp thời ngăn chặn và xử lý. Phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức Đảng và Nhà nước mà cần tạo ra bầu không khí dân chủ xã hội, trong đó chú ý đến tiếng nói của nhân dân. Đảng viên, mọi tổ chức xã hội và cả nhân dân đều quan tâm và không ngần ngại chống tham nhũng. Hướng sự quan tâm của nhân dân đến các cơ quan pháp luật và những người thực thi pháp luật chống tham nhũng. Làm được điều này cần củng cố thật vững mạnh, trong sạch cả về tổ chức và con người ở ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có chức năng trực tiếp chống tham nhũng. Cần có một đội ngũ, nhân viên trong các ngành này thực sự có tri thức và năng lực, chí công vô tư, thanh liêm, dũng cảm và kỷ luật, làm việc khách quan, nghiêm minh, công bằng, tỏ rõ sức mạnh bất khả kháng đúng kỷ cương, phép nước. Chấm dứt hiện tượng thanh tra dấu hiệu tham nhũng kéo dài hàng năm vẫn chưa kết luận được để công khai cho dân biết. Giải quyết tốt đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng, giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo; thanh tra, kiểm tra, kết luận nội dung tố cáo của công dân để trả lời, tránh tình trạng rơi vào im lặng.

 

Đồng hành với củng cố các cơ quan thực thi chống tham nhũng là sự vào cuộc của công luận, nhất là vai trò đắc lực của hệ thống báo chí cách mạng. Khuyến khích, bảo vệ và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên tác nghiệp công khai, trung thực, minh bạch.

 

Phải có chính sách rõ ràng cả về mặt pháp lý và đạo lý đối với cán bộ, đảng viên biết làm giàu chính đáng. Khích lệ khen thưởng, tặng danh hiệu cao quý cho những cán bộ, đảng viên biết làm giàu bằng tri thức, lao động của mình, xem đó là một định hướng tốt đẹp, đúng đắn, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau, hành vi, cách thức tinh vi khác nhau. Ở một số nước, khi tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng tất yếu đưa đến nguy cơ đe dọa sự sống còn của cả chế độ đó.

 

Ở nước ta, chống được tham nhũng là xóa đi một trở lực lớn trên con đường phát triển nhanh của đất nước, thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước và quyết tâm chính trị của toàn xã hội.

 

Chiến Hữu - Văn Chính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top