ClockThứ Năm, 14/10/2010 15:35

Phong cách Huế trong kinh doanh

TTH - Mới đây, tình cờ tôi được đọc trên tạp chí Sông Hương bài viết của nhà báo Trần Bá Đại Dương về sự ra đời và tồn tại của nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam trên đất Huế, Nhà xuất bản Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt, ra đời từ những năm 40 của thế kỷ trước. Chuyện rằng, ngay từ năm mới lên mười, ông Tăng Duyệt đã mồ côi bố, ở với anh trai đi học đến năm 15 tuổi thì phải nghỉ học chữ để theo học nghề và làm thợ chụp ảnh. Mê đọc sách, ông dành tiền tiêu vặt, tiền lương lùng mua sách để đọc, lập tủ sách riêng. Lấy vợ, ông Duyệt mở cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng nhưng thất bại. Mê sách, thấy thời đó ở Huế số người đọc sách có nhu cầu mua bán sách nhiều, ông Tăng Duyệt mở hiệu sách Tinh Hoa ở đường Gia Long sau chuyển qua đường Trần Hưng Đạo. Tiếp đến, mở Nhà in Tân Hoa, rồi Nhà Xuất bản Tinh Hoa.

Câu chuyện về Nhà xuất bản Tinh Hoa hấp dẫn tôi về cách làm ăn thực dụng nhưng cũng rất nghệ sĩ của ông chủ doanh nghiệp người Huế có bố là một người Quảng Đông (Trung Quốc). Nhà xuất bản Tinh Hoa có quy mô hoạt động khá lớn, có chi nhánh ở Hà Nội, Sài Gòn và sang tận Campuchia. Với tôn chỉ, mục đích rất rõ ràng “biểu dương một nền âm nhạc Việt Nam mới, trên nền tảng văn hoá nghệ thuật”, chỉ hơn 10 năm tồn tại, Nhà xuất bản Tinh Hoa đã cho ra đời 400 ca khúc, trong đó có những tác phẩm được xếp vào loại “ca khúc vượt thời gian” và không ít ấn phẩm đó vẫn còn nhiều người Huế giữ lại cho đến hôm nay.

Khi viết bài này tôi cũng lại nhớ đến ông chủ cà phê Hải Đăng mà tôi có dịp tiếp xúc lần đầu tiên cách nay dăm năm. Không ồn ào và phô trương, cà phê Hải Đăng của ông Tâm, từng là một cầu thủ bóng đá có hạng ở Huế, mang nét riêng đậm đà chất Huế, lặng lẽ mà chắc chắn, từng bước chinh phục khách hàng và khẳng định thương hiệu. Nghiện cà phê nặng, ngày phải 2 cử, là ly do khiến ông Tâm đến với nghề kinh doanh đặc biệt này. Còn trong kinh doanh, ông Tâm chú ý tạo nên thương hiệu Hải Đăng đúng theo “gu” Huế, ngon và rẻ. Ngon bởi dân Huế vốn thuộc loại thiếu cà phê là không chịu được. Rẻ bởi người Huế ta vốn nghèo. Hải Đăng của ông Tâm không chú ý nhiều đến việc mở rộng quy mô mà dừng lại ở sự vững chãi, bền vững, tạo được ấn tượng đặc biệt đối với người dùng. Và nữa, lời lãi là chuyện phải tính đến nhưng trên hết để bền lâu cần phải có cái tâm sáng là tâm sự của ông Tâm.
 
Huế được biết đến là thủ phủ của Đàng Trong, là kinh đô một thời của nước Việt và Huế cũng sớm được nhận chân giá trị bởi những hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với sự ra đời của cảng thị Thanh Hà cách nay hơn 3 thế kỷ, sau đó là phố Bao Vinh, Gia Hội, rồi Trần Hưng Đạo bên kia sông Hương hay Hùng Vương bên này sông. Tôi rất ấn tượng về không khí làm ăn kinh doanh xưa mà sử cũ chép lại. Chẳng hạn, dưới thời vua Tự Đức, chỉ một đoạn ngắn từ chợ Gia Hội (phía bắc cầu Gia Hội) đến ấp Hạ Chợ Dinh (khoảng chừng cây số) đã thấy có đến tám gian hàng, lần lượt là Gia Thái, Hoà Mỹ, Phong Lạc, Doanh Ninh, Hội Hoà, Mỹ Hưng, Thuỵ Lạc và Tam Đăng. Cả thảy đều nằm phía ven sông Hương, giữa là đường phố. Tả hữu nhà ngói liền nhau, buôn bán tấp nập... Cũng chưa thấy bàn nhiều trong sách sử song có thể thấy sự xuất hiện sớm, vị thế rất đặc biệt và phong cách đặc trưng của những doanh nhân xứ Huế. Họ mang dáng dấp của ông chủ Nhà xuất bản Tinh Hoa một thời đã qua hay những doanh nhân đương đại như ông chủ cà phê Hải Đăng hôm nay. Một phong cách khó có thể lẫn lộn vào đâu được. 
 
Đình Nam
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top