ClockThứ Năm, 21/10/2010 08:44

Niêm yết giá - chuyện không nhỏ

TTH - Tuần qua, cơ quan quản lý thị trường và Ban quản lý chợ Đông Ba tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá trong hoạt động kinh doanh tại chợ Đông Ba. Đây là một động thái tích cực, nhưng xem ra việc kiểm tra, xử lý nói trên vẫn mang nặng tính hình thức và như… muối bỏ bể.

Niêm yết giá các sản phẩm hàng hoá dịch vụ và bán theo giá niêm yết là một yếu tố trong văn minh thương mại; đồng thời là một yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh được Chính phủ qui định và ban hành từ lâu. Mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm về niêm yết giá hiện nay từ 500.000 đồng đến 30 triệu đồng tuỳ theo mức độ và mặt hàng. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết còn khá tùy tiện.

Dạo một vòng quanh thị trường, người tiêu dùng có thể bắt gặp tình trạng bán hàng theo kiểu nói thách khá phổ biến tại nhiều chợ, cửa hàng tư nhân. Không chỉ với dịch vụ ăn uống giải khát, các loại hàng hoá thông thường có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn, mà cả các loại sản phẩm có giá trị lớn như tivi, máy giặt, máy tính... một số cửa hàng kinh doanh cũng không hề niêm yết giá công khai. Ngay cả sản phẩm xe máy được sản xuất trong nước dù đã có giá của nhà sản xuất, nhưng nhiều chủ kinh doanh cũng chẳng hề niêm yết giá. Thậm chí một số điểm kinh doanh xe máy còn tùy sức cung cầu của thị trường để “làm giá” trục lợi. Không chỉ các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thông thường; mà cả với nhiều hiệu thuốc tân dược - mặt hàng quy định bắt buộc phải đăng ký giá cũng “quên” chuyện niêm yết giá.
 
Trên lĩnh vực du lịch, không ít nhà hàng, khách sạn, điểm kinh doanh hàng lưu niệm cũng “thả nổi” giá dịch vụ, gây tâm lý không thật sự thoải mái đối với du khách. Không chỉ ngày thường, mà trong các dịp lễ hội, một số khách sạn, cơ sở kinh doanh chẳng hề quan tâm đến các qui định của cơ quan chức năng để nâng giá, thu lợi. Đằng sau sự mập mờ về giá có khi là do nhận thức, phong cách phục vụ... và có cả việc “đục nước béo cò” của không ít cơ sở kinh doanh. Với thực trạng trên, nếu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý thì có thể nói, gần như... phạt cả làng!
 
Lâu nay, nhiều người xem việc chọn hàng, hỏi giá, mặc cả và trả tiền; hoặc vào nhà hàng vô tư gọi thức ăn, đồ uống… ra về mới yêu cầu tính tiền là chuyện bình thường. Nhưng với khách vãng lai, đặc biệt là du khách nước ngoài thì đó là một bất trắc đầy lo ngại. Họ thường hỏi giá với tâm trạng nghi ngờ trước khi mua hàng hoá, dịch vụ. Với họ, đó là một điều bất tiện và khó chấp nhận…
 
Để xây dựng, phát triển Huế thành trung tâm dịch vụ, du lịch văn minh và hiện đại của khu vực và cả nước có nhiều việc phải làm; trong đó, văn minh thương mại là một yếu tố quan trọng. Đã đến lúc không thể xem việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết là chuyện nhỏ. Để làm được điều này, thiết nghĩ, ngành chức năng cần song hành việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cơ sở kinh doanh; đồng thời thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm và nên bắt đầu từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top