ClockThứ Sáu, 22/07/2011 08:54

Nhà hát trong mơ

TTH - Cũng như nhiều người, tôi có được niềm vui lớn khi cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Huế có tên là một trong 4 điểm lưu diễn của Chương trình Hoà nhạc Toyota xuyên Việt 2011 được dàn dựng công phu và trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Bản Honna Tetsuju. Một chương trình đã mang lại giá trị thưởng thức thẩm mỹ cao và những giai điệu tinh tế cho những khán giả yêu nhạc ở Huế.

Tôi nghĩ, với hành trình lưu diễn của Chương trình Hoà nhạc Toyota xuyên Việt 2011, Huế được nhìn nhận như một trung tâm văn hoá hàng đầu quốc gia. Người Huế cũng đã thể hiện những giá trị đích thực của mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của loại hình âm nhạc không chỉ khắt khe về khả năng đón nhận của người xem mà còn có sự đòi hỏi cao về sân khấu biểu diễn đã khiến cho Trung tâm Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế dù đã có rất nhiều cố gắng vẫn không xứng tầm với các nhà hát lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là đối với cả Hải Phòng.

Nhà hát Duyệt Thị Đường. Ảnh: Internet

Chợt nhớ đến ngày xưa (và cho đến bây giờ vẫn còn đỏ đèn) Huế có Duyệt Thị Đường. Theo cách chiết tự ngôn ngữ, thì Duyệt là xem xét để phân biệt điều phải trái, Thị là xem, còn Đường có nghĩa là ngôi nhà. Duyệt Thị Đường được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Thuở còn là kinh đô của vương triều Nguyễn, Duyệt Thị Đường là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần và là nơi biểu diễn các vở tuồng dành cho quan khách, sứ thần thưởng thức. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch với thể loại nhã nhạc cung đình Huế khá thu hút du lịch.
Năm 1911, Nhà hát lớn Hà Nội được xây dựng phỏng theo kiểu thiết kế nhà hát cổ điển ở châu Âu của các kiến trúc sư người Pháp là Broye và Harlay. Trước đó, vào năm 1900, Nhà hát Sài Gòn, một đối trọng về kiến trúc với Nhà hát lớn Hà Nội, đã ra đời. Đây là công trình xây dựng theo lối kiến trúc “flamboyant” của thời Đệ tam cộng hòa Pháp của các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret. Còn sau khi xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội không lâu, Nhà hát Hải Phòng có thiết kế phỏng theo kiến trúc của các nhà hát Pháp thời trung cổ cũng được xây dựng xong năm 1912. Cả trăm năm trôi qua, các công trình trên đều được sửa chữa, bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp và bản sắc kiến trúc ban đầu cho đến ngày hôm nay. Nhà hát lớn ở Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng trở thành biểu tượng văn hoá, điểm tham quan du lịch đặc sắc của thủ đô và các địa phương.
Duyệt Thị Đường đã là quá vãng của một thời. Chợt mơ về một Nhà hát lớn cho Huế. Không chỉ là trung tâm đa năng hiện đại chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật hay được sử dụng để tổ chức những sự kiện lớn, Nhà hát lớn Huế phải là biểu tượng văn hoá của vùng núi Ngự sông Hương, có phong cách kiến trúc độc đáo phù với với cảnh quan môi trường, là điểm nhấn cho đô thị Huế với tư cách là trung tâm văn hoá, thành phố Festival duy nhất của Việt Nam.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top