ClockThứ Năm, 08/09/2011 05:07

Ngôi làng 100 tuổi

TTH - Gần 30 trước, ông Hồ Văn Diễn về hưu. Bỏ lại phố thị đông vui, ông trở về với làng quê. Có người bảo sao dại thế, ông cười. Mấy năm nay, khi tuổi đã ngót nghét chín mươi, ông Diễn cất công sưu tầm, tập hợp để rồi phụng biên, chắp bút cuốn phổ chí cho làng mình. Ông bảo ngạn ngữ có câu “Cây có gốc mới tốt cành xanh lá. Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu”. Ông yêu mến và gắn bó với cái làng nghèo của mình, muốn tri ân công lao của các thế hệ tiền nhân để lưu truyền cho thế hệ hôm nay và cả mai sau nữa về cội nguồn, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của ngôi làng, nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Quê nội tôi là làng Dạ Lê Thượng, một làng ven đô, phía nam Huế, quê ngoại ở phía trên là làng Thanh Thuỷ Thượng. Làng Thanh Lê của ông Diễn nằm ở phía tây 2 làng nội ngoại của tôi. Thanh Lê là “mượn” chữ Thanh của làng Thanh Thuỷ Thượng và chữ Lê của làng Dạ Lê Thượng. Năm 1904, một nhóm công nhân, gồm các loại thợ xây dựng công sở triều đình Huế, trong đó có cụ Hồ Văn Cảnh từng quen biết giao dịch trong triều đã nhờ người trình tấu lên Vua Thành Thái xin phép được tiếp nhận vùng đất Thanh Lê để mộ dân lập ấp, lập làng. Vua Thành Thái đồng ý và ngày 13 tháng 8 năm Giáp Thìn (tức 1904), ban chiếu sắc bằng giao cho Ngài khai canh Hồ Văn Cảnh trực tiếp quản lý và điều hành. Làng Thanh Lê bấy giờ thuộc tổng Dạ Lê, huyện Hương Thuỷ và nay thuộc phường Thuỷ Phương, thị xã Hương Thuỷ.   

Không có bề dày lịch sử hàng trăm năm như nhiều làng quê ở Huế, rất nhỏ khi chỉ có diện tích chừng 250 ha, trong đó đất canh tác chỉ khoảng 80 mẫu, dân số cho đến thời điểm này mới gần 200 nhân khẩu, cũng không có đặc sản hay ngành nghề truyền thống nổi tiếng, chẳng thấy ai đỗ đạt đại khoa, nhưng ngôi làng Thanh Lê vẫn tạo được dấu ấn bởi địa thế của một vùng đất sơn thổ, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm vườn làm rẫy, một thời đi rừng kiếm tranh củi, chổi lá; bởi tình nghĩa và tấm lòng thơm thảo những người con của dân làng như ông Diễn.
 
Vùng đất Hương Thuỷ, gồm các phường như Thuỷ Dương, Thuỷ Phương dọc theo Quốc lộ 1A như một lòng chảo, có núi đồi ở phía tây, và cũng có những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” nằm về hướng biển. Ngày trước giải phóng, tôi còn nhỏ ở làng Dạ Lê Thượng, phía bên ngoài này, nhìn vào làng Thanh Lê với bao điều bí ẩn, bởi những dãy đồi nhấp nhô, bởi những xóm nhỏ nằm bóng dưới những lùm cây xanh um tùm. Sau này, tôi mới biết, đó là nơi có nhiều gia đình không ngại gian khổ và hy sinh, trực tiếp tham gia và làm hầm bí mật nuôi dấu cán bộ cách mạng. Thanh Lê tự hào là một làng quê cách mạng của vùng đất Thuỷ Phương anh hùng.
 
Lại nghĩ, kể từ khi Huyền Trân công chúa vì nghĩa lớn ra đi để giang sơn nƯớc Việt có thêm châu Ô, châu Lý, đã có nhiều làng mạc ra đời trên mảnh đất Thuận Hoá, Phú Xuân và sau đó là Huế cố đô. Làng quê Huế mang những dấu ấn lịch sử khác nhau, phong phú, đa dạng và đặc sắc là niềm tự hào của vùng đất núi Ngự, sông Hương. Làng quê Thanh Lê của ông Diễn chỉ mới hơn 100 tuổi nhưng là một bổ sung đẹp, làm phong phú thêm những giá trị văn hoá đặc trưng của làng quê Huế.
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top