Mừng vui vì cho đến nay, những sản phẩm mang thương hiệu Huế có “tầm quốc gia” hầu như chưa nhiều. Mặt khác, sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị, chỗ đứng và triển vọng của tôm chua Huế; mà còn mở ra hướng đi chung trên hành trình phát triển của những đặc sản nổi tiếng khác của Huế trong việc chinh phục người tiêu dùng.
Để có kết quả trên, trước hết cần ghi nhận hiệu quả của một cách làm. Cách đây 2 năm, trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản giai đoạn 2 (FSPS2), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ để thành lập Hiệp hội Tôm chua Huế. Theo đó, chương trình khuyến khích những thành viên của hiệp hội và các hộ sản xuất tôm chua trên địa bàn tỉnh hợp tác nhằm nâng cấp qui trình và công nghệ chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng để tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo một tiêu chuẩn chung. Năm 2010, FSPS2 tiếp tục giai đoạn 2 về thuê dịch vụ tư vấn hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Hiệp hội Tôm chua Huế xây dựng thương hiệu trình cơ quan chức năng. Đây là cơ sở quan trọng để sản phẩm “Tôm chua Huế” được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Theo chứng nhận, nhãn hiệu “Tôm chua Huế” có 2 lô gô: lô gô bầu dục và lô gô hình chiếc khánh. Nội dung nhãn hiệu ghi rõ Hiệp hội Tôm chua Huế (viết tắt Husa), dòng chữ “Tôm chua Huế” trên nền hình con tôm và dòng chữ Hiệp hội Tôm chua Huế bằng tiếng Anh. Trước mắt, có 22 hộ sản xuất tại các địa phương Phú Lộc, Hương Trà, TP Huế tham gia đăng ký nhãn hiệu tập thể này. Vấn đề đặt ra đối với các thành viên Hiệp hội Tôm chua Huế sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “tôm chua Huế” là không ngừng nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng.
Lâu nay, đặc sản tôm chua Huế đã được thực khách gần xa biết và “ghiền”. Ở Thừa Thiên Huế có nhiều gia đình “ăn nên làm ra” từ việc sản xuất kinh doanh đặc sản này. Theo đó, nhiều “tên tuổi” gắn với sản phẩm tôm chua đã được khách hàng biết đến nhiều như bà Hường, bà Mai, cô Ri, cô Duệ, Tô Việt, Trọng Tín... Đặc biệt, sản phẩm tôm chua và nhiều đặc sản Huế khác đã giúp doanh nghiệp Tấn Lộc 2 lần đạt giải Sao Vàng đất Việt năm 2004 và 2006 và được công nhận là Thương hiệu có uy tín của Việt Nam năm 2005... Không chỉ tồn tại và phát triển trên đất Cố đô, tôm chua Huế còn được sản xuất và kinh doanh ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, việc công bố nhãn hiệu cho đặc sản tôm chua Huế, góp phần nâng cao uy tín chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm địa phương, tạo điều kiện cho sản phẩm thuỷ sản có giá trị cao được giới thiệu, quảng bá trên thị trường trong và ngoài nước; đồng thời chính thức khẳng định bản quyền nhãn hiệu sản phẩm riêng của mình.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, ngoài tôm chua còn có một số đặc sản nổi tiếng khác như: mắm rò, cà pháo, ruốc, nước mắm, tương ớt, nem, chả, tré, mè xửng, hạt sen... Vậy nên, bên cạnh giữ gìn chất lượng, quảng bá và phát triển sản phẩm đã có chứng nhận nhãn hiệu, cần đặt ra mục tiêu kế hoạch cho việc xây dựng các tiêu chuẩn và cơ sở khoa học nhằm đề nghị Nhà nước chứng nhận và bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho các đặc sản xứng đáng của Huế. Đây là một trong những việc làm thiết thực để đưa các sản phẩm truyền thống của Huế đến với với người tiêu dùng trong nước và quốc tế trước yêu cầu hội nhập và phát triển. Trong hướng đi này, cần xem Chương trình hỗ trợ ngành thuỷ sản giai đoạn 2 (FSPS2) mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã làm thành công nói trên là một hình mẫu.
Hoàng Thành