ClockThứ Năm, 23/07/2015 18:45

Mua chung tại điểm lẻ

TTH - Nhiều người đã đặt câu hỏi khi nào trên tuyến đường Quốc lộ 1A bắt đầu từ Phong Điền đến Phú Lộc và trên tuyến đường phía Tây của tỉnh sẽ có một trạm dừng chân quy mô? Điều này xuất phát từ thực tế là chúng ta rất có năng lực về đặc sản, bánh kẹo, nón lá, hàng thủ công mỹ nghệ, kể cả những mặt hàng được sản xuất theo dây chuyền có chất lượng và giá trị thương phẩm cao nhưng chưa thật sự được tập trung ở một điểm bán nào. Ngay cả chợ Đông Ba và hai siêu thị lớn trên địa bàn là Big C và Coop Mart, gần như khách du lịch đến giao dịch vẫn chưa nhiều như mong đợi.

Đa phần các điểm bán, giới thiệu mặt hàng đặc sản và thủ công truyền thống Huế hiện tản mát ở nhiều nơi, trên các tuyến đường “huyết mạch” mà du khách phải quay lại sau khi đi thăm các di tích, hoặc tại một số địa chỉ của nhà/cơ sở sản xuất. Tự phát, đầu tư nhỏ, diện tích còn khiêm tốn là điều dễ nhận thấy gần như ở hầu hết các điểm này. Để mua được một giỏ hàng bao gồm nhiều món khác nhau, thường thì du khách sẽ được các hướng dẫn viên đưa đến nhiều điểm. Ở đây, chúng tôi không bình luận về cách làm của các hướng dẫn viên mà chỉ đề cập đến sự mất công, tốn khá nhiều thời gian của khách hàng và chưa chắc đã là những sản phẩm thực sự có thương hiệu. Điều đó, mặc nhiên làm khách chưa thật sự hài lòng về một điểm đến.

Chuyến đi Thailand cách đây ít lâu đã mang đến cho chúng tôi một cái nhìn khác trong cách thức phục vụ và buộc du khách phải tiêu tiền của những người làm dịch vụ du lịch. Kết thúc mỗi điểm tham quan đều là một trung tâm mua sắm nào đó. Chẳng hạn như một gian hàng rộng lớn của Trung tâm đá quý của Hoàng gia Thái Lan với những tư vấn viên nhiệt tình và sẵn lòng chăm sóc bạn ngay cả ở những món hàng nhỏ nhất, ít có giá trị nhất. Trên đường từ Pattaya về Bangkok, ngay sau bữa ăn trưa tại một nhà hàng mênh mông có thể phục vụ đến hơn ngàn người một lúc, chúng tôi được đưa đến Trung tâm thuộc da lớn nhất Thailand với một lượng khách đông đúc và một cường độ mua bán khá chóng mặt. Điều này cũng diễn ra sau khi đi tham quan Trung tâm Yến huyết – nơi mà những mô hình được tạo ra trên một đoạn tường chỉ là cách để hình tượng hóa và kéo khách vào mua sắm. Điều đáng nói khác nữa là các trung tâm này đều không nằm trong các đô thị và khách chỉ còn cách mua sắm để khỏi phải chôn thì giờ trong sự chờ đợi.

“Ở đây, chúng tôi làm dịch vụ theo kiểu tập đoàn. Và các tập đoàn này cũng liên kết với nhau để cùng phát triển”. Hướng dẫn viên người Thái đã nói với chúng tôi điều này và đó cũng là một thực tế đã được kiểm chứng. Đó cũng là việc kết nối thị trường, quy tụ các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và cùng có giá trị thặng dư từ một cách làm chuyên nghiệp. Nghĩa là họ tạo ra được sự cùng mua trong những điểm bán chung đa dạng, quy mô. Khách tiết kiệm được thời gian và khá hài lòng với cung cách và thái độ phục vụ của đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp.

Ở đây rõ ràng không phải là cơ chế mà điều cơ bản là để làm được điều đó, cần những đơn vị, tổ chức, cá nhân… đủ mạnh, có năng lực, sự tin cậy cũng như mối quan hệ để tạo sự phối hợp và kết nối.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh được tổ chức vào ngày 21 và 22 vừa qua, quy hoạch phát triển thương mại Thừa Thiên Huế đến 2025, định hướng đến 2030 đã được HĐND thông qua. Trong quy hoạch này cũng đã tính đến định hướng hình thành thị trường sản phẩm đặc sản, hàng truyền thống với việc xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh tại các điểm tham quan, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch, cửa khẩu, ga hàng không, đường sắt và các bến xe liên tỉnh. Đây có thể xem như là điều được kỳ vọng về một sự thay đổi tình trạng mua chung ở điểm lẻ khá rời rạc đang có.

Hạ Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top