ClockThứ Năm, 23/09/2010 19:32

Mở rộng vốn cho tam nông

TTH - Mức vay tín chấp đối với khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân được tăng gấp 5 lần so với trước đây, đã tạo ra động lực mới về tín dụng trên mặt trận tam nông.

Mới đây, Nghị định 41 về tín dụng phục vụ tam nông đã thay thế cho Quyết định 67 của Chính phủ được ban hành từ cuối tháng 3/1999. Theo đó, khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn bao gồm nông dân, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) cho đến các hợp tác xã (HTX), chủ trang trại có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản từ 50-500 triệu đồng.

Vay 500 triệu đồng không cần thế chấp
Trước đây, Quyết định 67 của Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển tam nông quy định vay tín chấp: Mỗi nông hộ không quá 10 triệu đồng; hộ SXKD, làm dịch vụ, ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn không quá 40 triệu đồng; HTX, chủ trang trại không quá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, các quy định về cho vay đối với tam nông có từ hơn 10 năm trước và hiện không còn phù hợp. Nếu duy trì mức cho vay cũ sẽ không khuyến khích các tổ chức kinh tế nông nghiệp mở rộng SXKD, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Việc nâng hạn mức cho vay sẽ giúp nông dân tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn tín dụng để phát triển SXKD.
Hiện, chính sách mới của Nhà nước về tín dụng phục vụ phát triển tam nông, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Cũng với hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; HTX, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng sẽ cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị, xã hội ở nông thôn.

Agribank đã đồng hành cùng nông dân trong việc mua nông cụ.

Số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế, hiện dư nợ cho vay đối với tam nông tăng khoảng 8 lần so với 10 năm về trước (từ chưa đầy 300 tỷ đồng năm 1999 tăng lên hơn 2.300 tỷ đồng năm 2010). Bình quân, hàng năm tăng gần 21%, chiếm khoảng trên dưới 21,5% tổng dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động trên địa bàn; trong đó cho vay trung, dài hạn chiếm 75%, cho vay ngắn hạn chiếm 35%. Tuy nhiên, so với nhu cầu vốn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thấm tháp vào đâu.
 
 
Từ khi triển khai Nghị định 41 của Chính phủ về tín dụng tam nông đến nay, Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế là ngân hàng chủ lực đã cho vay trong lĩnh vực này hơn 60 tỷ đồng, trong đó hơn 37 tỷ đồng từ hình thức tín chấp. Một số huyện có dư nợ cho vay lớn như Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang. Hiện trên địa bàn tỉnh, các trường hợp vay không có tài sản đảm bảo tối đa đến 40 triệu đồng, các trường hợp vay từ 260-300 triệu đồng đều phải thế chấp.
 
 
Vẫn còn vướng víu
Sau 10 năm triển khai Quyết định 67 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Nghị định 41 của Chính phủ ban hành mới đây được coi là cơ sở quan trọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tam nông trong những năm tới.

Nông dân rất cần vốn trong CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.

Ngoài những bộn bề về điều kiện vay vốn, chi phí quản lý, những quan ngại về rủi ro tín dụng và lấy đâu ra đủ vốn vẫn là băn khoăn của các ngân hàng khi cho vay ở lĩnh vực này. Chiếm đến 60% tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân (hơn 1.600/2.700 tỷ đồng) nhưng ông Ngô Văn Toàn, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Thừa Thiên Huế thừa nhận, nhu cầu vốn của nền kinh tế và khu vực tam nông vẫn lớn hơn khả năng đáp ứng của ngân hàng.
Liên quan đến câu chuyện lợi nhuận, mở rộng tín dụng cho cho tam nông thường được mô tả như một phân khúc với các món vay nhỏ từ vài triệu, vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Số món vay lớn khiến công tác thẩm định, quản lý món vay phức tạp và vất vả hơn, theo đó, đẩy chi phí thẩm định cũng như quản lý cao hơn so với nhóm khách hàng khác. Sự rối rắm này đưa đến một hệ quả tất yếu là các ngân hàng sẽ kiếm được ít lợi nhuận hơn từ nhóm khách hàng này nếu so với khu vực khác. Hơn nữa, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là lĩnh vực sản xuất chịu nhiều rủi ro về thiên tai, thời tiết.
 
Song, việc tăng mạnh tín dụng vào tam nông không đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ rủi ro cũng như tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng - lãnh đạo một ngân hàng nhận định. Bởi rủi ro trong tín dụng phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan nên nếu tạo được môi trường kinh doanh tốt, ý thức khách hàng tích cực và phương thức quản lý của ngân hàng hiệu quả sẽ hạn chế được tối đa tỷ lệ rủi ro này. Mặt khác, ở mỗi nhóm khách hàng, cần đặt một mục tiêu lợi nhuận khác nhau, theo hướng vừa hỗ trợ vừa mang lại lợi nhuận cho ngân hàng...
 
 
Qua 10 năm thực hiện Quyết định 67 của Chính phủ, doanh số cho vay của Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế đạt 4.135 tỷ đồng, doanh số thu nợ 2.742 tỷ đồng, với 52.558 hộ sản xuất và 264 doanh nghiệp (DN). Dư nợ cho vay (DNCV) chi phí trồng trọt, chăn nuôi: 29.520 hộ và 79 DN; thủy sản: 5.369 hộ và 19 DN; chế biến nông, thủy sản: 209 hộ và 33 DN; ngành nghề nông thôn: 1.090 hộ và 118 DN...
 
 
 
Chị Trần Thị Tỵ
Chị Trần Thị Tỵ, chủ trang trại nuôi gà “An toàn sinh học”: “Vay tín chấp mà phải nộp thẻ đỏ thì không khác gì thế chấp”
 
Tôi ở tại thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà) và đang phát triển mô hình trang trại nuôi gà “An toàn sinh học” với khoảng 6.000 con. Cuối năm 2004, tỉnh có chủ trương không được nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, tôi buộc phải di dời trang trại và chuyển gà đi về vùng rú cát thuộc xã Quảng Vinh (Quảng Điền). Tôi đã có giấy quyết định cấp đất của UBND huyện Quảng Điền với diện tích 2 ha nhưng lâu nay mỗi khi cần vay vốn phát triển kinh tế trang trại tôi phải thế chấp nhà ở của mình cho ngân hàng với lãi suất vay thương mại thông thường. Hiện tôi có nhu cầu vốn đến vài trăm triệu đồng, nhưng muốn vay ngân hàng thì phải có giấy chứng nhận sử dụng đất. Trong khi cho người nông dân vay tín chấp nhưng phải nộp giấy chứng nhận sử dụng đất (thẻ đỏ) thì cũng khác gì thế chấp...
 
Bà Nguyễn Thị Chiểu
Bà Nguyễn Thị Chiểu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: “Tạo điều kiện để hộ nông dân tiếp cận vốn”
 
Các ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn đã đi đầu về tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; trong đó chủ lực là Agribank. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu ở mức thấp và chủ yếu là khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, dư nợ cho vay vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu vốn đối với lĩnh vực tam nông, bởi tính chất tổ chức sản xuất của người nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ; mặt khác, phương thức cho vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn nên mức vay có hạn. Lãi suất cho vay lại cao hơn các nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức phi Chính phủ. Ngân hàng và hội nông dân các cấp đang tạo điều kiện để hộ nông dân tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất...
 
Bạch Quang
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top