ClockThứ Năm, 05/02/2015 06:35

Liên kết- nói dễ, làm khó

TTH - Cho đến bây giờ thì cụm từ phối hợp, liên kết không còn là một thuật ngữ xa lạ nữa. Có lẽ cũng xuất phát từ mục đích tạo hiệu quả cao nhất, có chất lượng nhất trong chuỗi vận hành, mang lại những lợi ích chung nhất không chỉ cho các đơn vị, doanh nghiệp, vùng, khu vực... mà còn cho cả cộng đồng thông qua việc tiết kiệm chi phí, thời gian, giá thành sản phẩm hay sự phong phú, đa dạng hơn của các gói sản phẩm mới nên cụm từ nói trên đã được định danh là cơ chế.

Trong thực tiễn, đã có rất nhiều hình thức liên kết đã được triển khai. Chẳng hạn như liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản hoặc mở rộng hệ thống phân phối gắn với thu mua sản phẩm mà điển hình là Saigon Co.op (đã phát triển hàng chục siêu thị trên địa bàn cả nước); liên kết giữa làng nghề truyền thống và doanh nghiệp lữ hành du lịch; giữa các công ty lữ hành và dịch vụ lưu trú, liên kết giữa hệ thống ngân hàng hay kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp…

Rộng hơn thì có Con đường di sản miền Trung với sự kết nối các di sản thế giới tại Trung Bộ, bao gồm Quảng Bình với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế với hai di sản là Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế; tỉnh Quảng Nam với hai di sản Thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An hay liên kết mang tầm quốc tế như “Lào, Campuchia, Việt Nam: Ba quốc gia, một điểm đến”; Bốn quốc gia - Một điểm đến (Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) và sức lan toả đã vượt ra khỏi phạm vi của các tỉnh, thành hay các nước trong mối quan hệ liên kết này…

Tuy nhiên, dù đã được xác định là cơ chế, nhưng trong hoạt động thực tiễn, không phải mối liên kết nào cũng mang đến thành công và có những mối liên kết, phối hợp giữa các đơn vị chỉ dừng lại ở tính hình thức. Chẳng hạn như trên diện rộng, có thể cần phải xem/xây dựng lại sự vận hành của Con đường di sản. Trong diện hẹp, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp, hẹp hơn và khu biệt hơn nữa là quan hệ liên kết giữa du lịch và làng nghề truyền thống trong việc tạo ra những tour du lịch lạ, mới, đặc sắc và xem đó như là một cách đầu tư trở lại không chỉ cho làng nghề mà còn cho cả hoạt động dịch vụ du lịch nói chung…

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến điều này vì theo đánh giá qua việc thực hiện các liên kết trong thời gian qua cho thấy, có nhiều mối quan hệ đã được xây dựng, ký kết dựa trên cơ chế chung, vì sự phát triển chung nhưng vẫn chỉ là những mối liên kết cực kỳ lỏng lẻo, không mang đến một hiệu quả đích thực nào ngoài văn bản, giấy tờ được ký kết và những cái bắt tay cho phải phép. Chính vì thế mà hầu như đó vẫn chỉ là những nỗ lực tự thân của từng đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bên cạnh sự hỗ trợ có lẽ cũng còn mang tính “phải phép” của các đơn vị được đặt mối quan hệ liên kết.

Tại sao lại có tình trạng nói dễ, làm khó khi xây dựng các mối liên kết này là câu hỏi mà chúng tôi đã nhiều lần đặt ra cho những người có trách nhiệm, với những người điều hành và quản lý. Câu trả lời nhận được đa phần dừng lại ở mẫu số chung là không dễ. Còn tại sao không dễ lại là cả một vấn đề liên quan đến sự dè chừng, thiếu tin tưởng; vì thói quen, vì những co cụm mang tính nội tại…Chưa phải là diện rộng, nhưng điển hình như việc kết nối các tour du lịch đến với di sản Huế mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã và đang thực hiện là một ví dụ cụ thể. Có thể đạt hiệu quả cao hơn chứ không dừng lại ở con số như năm 2014 vừa qua (139,816 tỷ đồng doanh thu từ bán vé tham quan và 18 tỷ đồng là nguồn thu khác từ các loại hình dịch vụ tại di tích) là điều mà những người có trách nhiệm của Trung tâm đã chia sẻ nếu có sự phối hợp, liên kết tốt từ các hiệp hội, từ các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh.           

Có lẽ, chỉ khi có sự thể hiện rốt ráo, quyết liệt không chỉ của vai trò nhạc trưởng ở từng lĩnh vực mà cả sự điều hành mang tầm quản lý nhà nước, việc nói được (phải) làm được mới là sự được theo đúng nghĩa của nó…

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top