ClockThứ Năm, 26/09/2013 06:53

Lên án biểu hiện hành dân

TTH - Suốt cả cuộc đời tận tâm với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của đế quốc xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu với nỗi khổ của người dân. Trong suy nghĩ và hành động của Người luôn phản ảnh chân thật tâm tư, nguyện vọng của nhân dân – một tư tưởng lớn mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả. Trọng dân, gần dân, hết lòng phục vụ nhân dân là tấm gương đạo đức cách mạng của Bác mà chúng ta không được phép xao nhãng, phải thường xuyên ghi nhớ để rèn luyện phong cách, thái độ trong công tác của mình. Người gần gũi với các cụ già, trẻ nhỏ, với bộ đội, công nhân, nông dân và các tầng lớp trí thức… tạo mọi điều kiện cho họ có cơ hội sống tốt, lao động, học tập tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ phải nâng cao đạo đức cách mạng, mở rộng dân chủ, để cho người dân được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của họ.

Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình của cá nhân, tập thể tận tụy với công việc, gần dân và chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Nhiều điển hình nêu gương trong thực thi nhiệm vụ với phong cách dân chủ, có trách nhiệm trong thực thi công vụ…

Ở các ngành y tế, giáo dục, công an, quân đội… có nhiều tấm gương sáng về học tập phong cách gần dân, tận tụy với công việc được báo chí phản ánh là kết quả đáng nhân rộng, được nhân dân tin yêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điển hình đáng nêu ấy, hiện nay trong đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành vẫn còn nhiều người làm việc đủng đỉnh, xa dân và chưa trọng dân. Thậm chí có cán bộ còn vô cảm trước những khó khăn của người dân. Nhiều ý kiến của người dân phản ảnh đến các cơ quan ngôn luận rằng một số cán bộ trong ngành thuế, cán bộ ở bộ phận một cửa vẫn còn hành dân. Mỗi lúc có việc cần đến các cơ quan ấy người dân còn chứng kiến những gương mặt lạnh lùng, những lời nói cộc lốc vô trách nhiệm. Tôi từng chứng kiến một mẹ già đứng ở bộ phận một cửa để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở. Cán bộ ở bộ phận một cửa không những không hướng dẫn cho mẹ về thủ tục giấy tờ mà còn quát tháo người dân bằng tuổi cha mẹ mình làm cho mẹ bức xúc. Hỏi chuyện mới biết, theo đuổi cái giấy CNQSDĐ này đã 8 năm nay. Lý do đơn giản vì trong khu đất có một ngôi nhà của đứa con trai, dù đã ký xác nhận vào hồ sơ nhưng do công tác xa chưa có mặt để một cửa nhận diện! Oái ăm hơn có trường hợp dù hồ sơ đầy đủ nhưng bị hẹn lần, hẹn lữa… kéo dài những 6 năm. Bức xúc quá, người dân đăng ký gặp lãnh đạo cấp trên. Quả là may, gặp ông cán bộ có phong cách làm việc gần dân, ông đã kiểm tra sự việc và chỉ sau 2 ngày trường hợp này được cấp ngay cái “sổ đỏ”!

Nhiều lời than phiền khác nghe ra khó có thể chấp nhận. Khi người dân cần việc đến công sở, đã vào giờ làm việc, thấy phòng quạt vẫn chạy, đèn vẫn sáng nhưng không có người. Hỏi quanh thì được một cán bộ trả lời tỉnh queo: chắc anh ấy vừa đi ăn sáng, uống cà phê, bác chờ một tý. Chờ lâu, bác ấy ra quán cà phê cạnh đường hỏi và thấy hình ảnh khó coi. Trong giờ làm việc mà cán bộ còn la cà bên quán sá. Vặn hỏi thì được trả lời rằng họ giải lao 15 phút sau một giờ làm việc theo chế độ. Bác ta lắc đầu và gọi vào đường giây nóng của Báo Thừa Thiên Huế. Tôi ray rứt với cú điện này vội vàng phóng xe về đường Lê Hồng Phong gặp bác ấy. Hóa ra một sự thật xót xa, bác là một cán bộ hưu trí đã qua 2 cuộc kháng chiến nay cần việc, đến công sở, chờ cả buổi sáng chưa gặp được người cán bộ cần gặp trong khi họ đang có mặt ở quán cóc ven đường.

Việc dân đang cần, cán bộ thì cứ đu đưa, đủng đỉnh. Đã đến lúc phải chấn chỉnh mạnh mẽ tệ nạn này. Từng cơ quan, đơn vị phải có giải pháp đồng bộ chấn chỉnh phong cách, thái độ của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình khi thực thi nhiệm vụ và trong quan hệ với nhân dân. Đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao tính tự rèn phong cách gần dân. Chương trình tự rèn phải được đưa vào khuôn phép của tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Thường xuyên kiểm tra và đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe. Nghe ý kiến của cấp dưới, ý kiến của nhân dân. Nghe để chấn chỉnh, giáo dục cán bộ, công chức về phong cách làm việc trọng dân, gần dân…

Người cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cần đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của họ, thấy được vất vả, nhọc nhằn của người dân. Từ đó có thái độ làm việc tận tụy, phục vụ nhân dân.

Bác Hồ từng nhận xét: Có nơi, bệnh quan liêu, mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân.

Ngày nay, suy ngẫm về những gì Bác Hồ dạy, chúng ta càng thấm thía hơn yêu cầu của Bộ Chính trị là cần phải tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đợt sinh hoạt chính trị này, bên cạnh việc biểu dương những điển hình làm tốt, chúng ta cần lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý những cán bộ, công chức có biểu hiện vô cảm, hành dân, gây phiên hà cho nhân dân ở bất kỳ ngành nào, cấp nào. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm kiện toàn năng lực, đạo đức của người cán bộ, công chức.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top