Thứ Năm, 08/07/2010 14:20
(GMT+7)
Không còn tôn nghiêm
TTH - Nhân trở lại Huế, tôi dẫn vài người bạn thăm lăng Đồng Khánh. Vào khu vực điện thờ, mọi người lần lượt xếp hàng thắp hương vái lạy. Một vài du khách Nhật cũng nhập vào hàng, cung kính hành lễ. Họ vái xong, đi thụt lùi ra khỏi điện mới quay lưng.
Bất chợt một đoàn người khác tiến vào điện nhốn nháo. Họ đổi tiền. Người đứng ăn, uống nhồm nhoàm; người xì xụp khấn vái. Những tờ tiền lẻ, 500đ, 1.000đ, 2.000đ lần lượt xuất hiện trên bàn thờ nghi ngút khói hương.
Bàn thờ đầy tiền lẻ
Vài khách nước ngoài đứng xem, họ hỏi phiên dịch viên rồi lắc đầu ra vẻ không hiểu. Một số người khác bực mình bởi cách “mang tiền lẻ biếu vua” không giống ai của nhóm người kia. Những tưởng đó là hành động cá biệt, nào ngờ đến một vài di tích lăng, chùa khác, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tương tự. Những đồng tiền, thể hiện giá trị lao động của con người nay nằm vương vãi trên bàn thờ, trên tượng phật, dưới hồ sen... Chúng trở thành vật người trần “lót tay” vua chúa, thánh thần, chư phật hòng cầu tài, an, lợi, lộc. Chốn tôn nghiêm bỗng chốc xao động vì sự tính toán của lòng người.
Sự thần thánh hóa thái quá khiến một số di tích lịch sử biến thành nơi “ghanh đua” của “lòng thành tâm”. Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu xã hội học, đó là một biến thái văn hóa tâm linh trong nền cơ chế thị trường. Xin không nói đến những việc sâu xa của xây dựng cơ cấu kinh tế hay thiết chế văn hóa, điều trước mắt có thể làm là hiện thực hóa Chỉ thị 16/ CT của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch về việc đặt tiền lẻ, tiền công đức lên bàn thờ tại các di tích...
Đáng tiếc, những điểm chúng tôi tham quan lại chưa thấy tấm biển mang tính khuyến cáo, hướng dẫn nào nên du khách cứ mặc sức “hối lộ cõi âm” chăng?!
Linh Tuệ