ClockThứ Năm, 08/07/2010 10:29

Khám phá biển ngày hè

TTH - Ở vùng đất với quá nhiều đặc sản là xứ Thần kinh này, mùa hè về mới khiến tôi nhớ đến biển xanh. Dạo học sinh, đọc tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, nghe Khái Hưng tả về hòn Trống Mái gắn với mối tình của chàng trai biển tên Vọi và cô tiểu thư Hiền ở bãi biển Sầm Sơn, tôi cứ háo hức.

Cảm giác hấp dẫn vẫn vẹn nguyên khi cách nay 20 năm được đến Sầm Sơn, chỉ có điều khiến tôi bất ngờ: Biển Sầm Sơn không trong xanh như tôi tưởng, như Thuận An hay Lăng Cô. Đem chuyện đàm đạo, tôi được nghe có người giải thích: Nguồn nước sông Hồng và các sông phía bắc, khác với sông Hương, quanh năm đục ngầu phù sa nên nước biển ở đây không trong xanh như ở miền Trung. Đúng - sai không dám luận bàn, nhưng có trải nghiệm mới thấy rằng, đó là lợi thế, là vẻ đẹp không phải nơi đâu cũng có được của biển ở Thừa Thiên Huế với tư cách là điểm đến của du lịch.


Biến Thuận An - ảnh từ internet

Nhớ lần đầu tiên tắm biển Vinh Hiền, lúc chưa bùng nổ những dịch vụ như hiện tại, tôi có thú vui lặn sâu xuống các hốc đá, rồi mở to mắt để nhìn những đàn cá nhỏ tung tăng lội, một cảnh tượng vẫn bắt gặp nhiều trên những clip quảng cáo hiện nay.
 
Gần đây, cùng với sự phát triển các nhu cầu trong đời sống xã hội, đã xuất hiện nhiều bãi tắm. Bên cạnh Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương, còn có Vinh Thanh, Vinh Hiền, Điền Hải, Quảng Ngạn… Khi bàn đến thế mạnh của những bãi tắm ở Thừa Thiên Huế, người ta nói nhiều đến cự ly đi lại và sự trong lành, mát mẻ của biển cả. Cứ lấy Huế làm điểm xuất hành. Buổi sáng hay chập choạng chiều, chỉ một cuốc xe chừng vài chục phút là có thể cùng bạn bè vùng vẫy thoải mái ở Thuận An hay về tý nữa là Phú Thuận, rồi nữa là Vinh Thanh… Trong khi đó, Lăng Cô hay Cảnh Dương lại thích hợp cho những ngày nghỉ cuối tuần.
 
Có thể xem Lăng Cô là biểu tượng đặc trưng cho biển ở Thừa Thiên Huế và cả miền Trung. Nằm ở phía bắc đèo Hải Vân, cách trung tâm Huế 80 km về phía nam, bán đảo Lăng Cô nổi bật hẳn lên giữa biển trời xanh thẳm, với biển êm, nắng ấm và dải cát trắng thoai thoải. Bãi biển Lăng Cô dài 10 km, cảnh quan có núi, rừng và biển, là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển. Ban ngày có thể vui đùa thoả thích bên những con sóng và dòng nước biển trong xanh. Không gian tĩnh lặng của núi rừng và biển cả là điều thú vị để thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng.   
 

Biển đợi - ảnh từ internet
 
Biển xứ Thần kinh cũng đem lại những khám phá thú vị về con người, cảnh quan và cả những dấu tích lịch sử. Có thể lấy ví dụ từ bãi biển Thuận An. Trên đường từ Huế về biển, khách được chứng kiến phong cảnh yên bình của làng quê Huế với nhà cửa, am miếu, đền chùa, những cánh đồng lúa và đặc biệt là phá Tam Giang rộng lớn, vùng tiếp giáp của cửa biển nơi dòng sông Hương đổ ra đại dương, biển cả. Cũng ở nơi này, du khách có thể tham quan miếu Thái Dương gắn với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng Thuận An hết sức sùng bái hay miếu Âm Linh thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của dân miền biển và nữa, bùi ngùi ôn lại trang sử cũ về những trận chiến khốc liệt nơi đây trong những ngày đầu xâm lược của thực dân Pháp. Thuận An là chìa khoá để mở cửa đi vào kinh kỳ. Chính người Pháp cũng từng dùng hai chữ “thành phố” để gọi cửa biển Thuận An.
 
Cách nay không lâu, tôi có dịp vào Sài Gòn. Ngày hè, tôi được người thân mời đi biển Vũng Tàu. Buổi sáng, mới tầm 4 giờ sáng cả bọn mắt nhắm mắt mở đã phải lục tục thức dậy lên đường. Chuyến đi cũng thật thú vị, có được những phút giây thư giãn vui vẻ nhưng cũng mất khá nhiều công sức cho hành trình đi lại trên đoạn đường kéo dài cả trăm cây số. Đi rồi mới hay, ở Huế vẫn là sướng nhất. Chỉ loáng chốc là đã có thể có mặt ở Thuận An để thoả sức vùng vẫy, với nước, với gió, với những khám phá lạ về biển xanh, một thú vui không thể bỏ qua đặc biệt là trong những dịp hè nắng nóng.
 
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top