ClockThứ Năm, 15/05/2014 11:00

Kẻ sĩ đất Thần kinh

TTH - Nằm ở khu nghĩa địa, một độn cát phía tây làng Kế Môn (xã Điền Môn, Phong Điền), cách quốc lộ 49B chỉ khoảng vài trăm mét là ngôi mộ của tác giả cuốn sách nổi tiếng “Thời vụ sách”, Nguyễn Lộ Trạch tiên sinh.

Một thời, “Thời vụ sách” là tập văn mà tôi yêu thích. Nó là tâm huyết của một kẻ sĩ xứ Huế với khát vọng cải tạo và canh tân nước nhà, bấy giờ đang trước bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Một tư tưởng đi trước thời đại và đầy táo bạo của Nguyễn Lộ Trạch. Khát vọng canh tân kia không được xã hội đương thời chấp nhận. Giấc mộng không thành, cuối đời Nguyễn Lộ Trạch đã giã từ quê hương xứ Huế để ngao du và có lúc tính cả chuyện xuất dương, nhưng rồi một cơn bạo bệnh đã giết chết con người tài danh này tại Bình Định khi ông vừa mới 42 tuổi. Để hôm nay, tôi đã bị bất ngờ khi bắt gặp ngôi mộ của ông nơi làng quê Kế Môn.

Trở lại với Nguyễn Lộ Trạch và “Thời vụ sách”. Nguyễn Lộ Trạch sinh 15/2/1853, quê gốc ở làng Kế Môn. Đó là lúc nội tình đất nước rối ren, tư tưởng bảo thủ và giáo điều đang ngự trị. Lộ Trạch đọc nhiều, biết nghề thuốc, có kiến thức sâu rộng. Năm 1877, kỳ thi Hội ở Huế lấy chuyện “Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ” làm đề thi. Không dự thi, nhưng Nguyễn Lộ Trạch đã dâng lên bản “Thời vụ sách thượng”, vạch rõ mưu kế giả vờ hòa nghị của thực dân Pháp, khuyên triều đình nên “gấp lo tự cường tự trị”. “Thời vụ sách thượng” không được triều đình quan tâm đến, nhưng gây được tiếng vang lớn trong giới sĩ phu. Tháng 4/1882, Nguyễn Lộ Trạch lại dâng bản “Thời vụ sách hạ”, nêu lên sách lược cứu nước, trong đó có đề nghị đưa con em tài giỏi ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm, cơ khí phương Tây và mở rộng ngoại giao. Xem xong, vua Tự Đức phê “Ngôn hà quá cao” rồi thôi. Nguyễn Lộ Trạch còn tiếp tục có nhưng tấu trình lên vua nhiều ý tưởng canh tân đất nước, nhưng tất cả đều bị bỏ qua đáng tiếc.

Cùng với Đặng Huy Trứ, tôi đã nghĩ tới Nguyễn Lộ Trạch như là hình ảnh tiêu biểu cho một tính cách Huế, có phần khác lạ với yếu tố truyền thống. Đó là sự tài hoa (còn được biết tới bởi sáng tác văn thơ mà tiêu biểu là tập “Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch di văn”), là khát vọng được xê dịch, là tư tưởng canh tân, cải cách và dám dấn thân thực hiện ý tưởng cao cả. Còn nữa, nhớ về Nguyễn Lộ Trạch, tôi đã nghĩ đến làng Kế Môn, bên kia phá Tam Giang của ông. Thành lập từ đầu thế kỷ XIV, người dân Kế Môn chủ yếu sống bằng nghề nông. Năm 1789, khi vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh ra chiếu cầu tài, một người thợ kim hoàn quê ở Thanh Hóa là Cao Đình Độ đã đem cả gia đình vào Phú Xuân để làm nghề kim hoàn cho hoàng cung. Chuyện rằng, khi đò dọc chở gia đình ông theo sông Ô Lâu vào Phú Xuân, qua khúc Bàu Ngược (làng Kế Môn) thì bị chìm. Hai ông Hoàng Công Bàn và Trần Duy Lợi (dân làng Kế Môn) đang gặt lúa gần đó nhảy xuống sông cứu sống gia đình ông Độ. Làng Kế Môn đã cưu mang gia đình người bị nạn một thời gian. Để đền ơn cứu mạng, ông Độ truyền nghề cho dân làng Kế Môn và bắt đầu từ đó, ngôi làng ven biển này trở thành làng nghề kim hoàn nổi tiếng.

Nghề vàng không chỉ là chuyện mưu sinh mà còn hướng tới cái đẹp cùng sự sang trọng, thế nên không gian của một làng quê như Kế Môn không đủ sức cưu mang. Vậy là, đã có bao thế hệ người Kế Môn làm nghề vàng lần lượt rời làng ra đi. Nghề kim hoàn đã theo họ vào Huế, có mặt ở các đô thị lớn trong cả nước và ra tận nước ngoài. Không chỉ là làm giàu và mưu sinh, nghề kim hoàn không khép kín bởi không gian của lũy tre làng đã giúp người dân Kế Môn có được cái nhìn thông thoáng, hướng ngoại, nắm được thế cuộc và có những tư tưởng đổi thay. Âu đó cũng là sự hội tụ và chắt lọc để Kế Môn có được một người con tài danh, có tư tưởng đổi mới, lưu danh sử sách như Nguyễn Lộ Trạch.

Đúng 62 năm sau khi Nguyễn Lộ Trạch qua đời, một người cháu ngoại của ông là Đặng Hữu Thiểu đã cùng với con cháu họ tộc Nguyễn Thanh (cha của Nguyễn Lộ Trạch là tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai) mang thi hài ông về cải táng nơi quê nhà. Trước mắt tôi bây giờ là ngôi nhà thân thương và gần gũi, nằm yên bình nơi làng quê Kế Môn yêu dấu như một biểu tượng của “lá rụng về cội”. Nó không hề quá xa cách. Vậy nên, một lần đến với chi mộ Nguyễn Lộ Trạch tiên sinh cũng là cách nhớ lại và cũng là để hiểu hơn một nét đẹp của kẻ sĩ xứ Thần Kinh đầy trăn trở, luôn đau đáu chuyện thời cuộc và lúc cần dám dấn thân để tìm ra cho quê hương, đất nước một hướng canh tân và phát triển.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top