Trong các cuộc vận động hiện nay, những buổi mit tinh quần chúng, những băng cờ cổ động, những buổi phát thanh truyền thanh, truyền hình cũng được vận dụng để thúc đẩy phong trào. Thành thật mà nói, công tác thông tin tuyên truyền của Huế hiện nay còn yếu, còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu, nhiệm vụ. Thử nhìn lai, thành phố hiện nay là thành phố loại 1 mà trong tay, không có một tờ báo riêng, không có đài truyền hình, chỉ có vỏn vẹn một đài truyền thanh, như trang bị của một cấp huyện.
Việc đầu tiên cần làm là tiến hành một cuộc điều tra xã hội học về công tác thông tin tuyên truyền, để biết tỉ lệ bao nhiêu người dân thành phố được biết thông tin hằng ngày về thành phố mình, biết qua hệ thống thông tin nào nhiều nhất và hiệu quả nhất.
Nên tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin văn hoá của thành phố và các phường, các cụm dân cư. Hạ tầng thông tin văn hoá cũng không kém phần quan trọng như hạ tầng giao thông, kinh tế. Trên địa bàn thành phố có hai đài truyền hình, một đài của tỉnh, một đài của khu vực thuộc Trung ương, thì tại sao Huế lại chưa có liên hệ với các đài ấy để làm các chương trình tuyên truyền, thông tin có định kỳ tiến đến chương trình thời sự hàng ngày cho thành phố. Đối với đài truyền thanh Huế, cần xem xét, đánh giá hiệu quả một cách toàn diên, từ hạ tầng cơ sở, năng lưc biên tập viên và kết quả đến công chúng. Lãnh đạo thành phố hãy về làm việc với các phường, với dân và giải quyết các vấn đề cụ thể còn vướng mắc, như đặt loa công cọng, giờ bắt buộc phải tiếp sóng truyền thanh ở các phường…
Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, trang thông tin điện tử của thành phố đã cập nhật đến người dân như thế nào? Có bao nhiêu công dân thành phố đang truy cập? Nếu ở thành phố lớn, lãnh đạo thành phố có các buổi giao lưu trực tuyến với dân, thì tại Huế, thành phố loại 1 lại không thử nghiệm để triển khai rộng rãi hình thức này.
Song song với cơ sở hạ tầng, cần nghĩ ngay đến bộ máy cán bộ phụ trách công tác này, Trong biên chế của phòng VHTT, của đài truyền thanh, của các phường, cần bổ sung thêm bộ phần nghiệp vụ truyền hình, biên tập các lĩnh vực, và bộ phận này luôn được lãnh đạo quan tâm nâng cao về mặt chính trị, và chuyên môn để bài vở luôn có sức thu hút người nghe, người xem.
Đã từ lâu, người dân thành phố không thấy bóng dáng của Đội Thông tin lưu động chuyên nghiệp. Cần nhấn mạnh đây là một kênh thông tin cực kỳ quan trọng của thành phố, nó làm cho người dân tiếp cận được thông tin một cách dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo.
Chúng ta nói nhiều về việc phát huy dân chủ, công khai cho dân biết dân bàn các vấn đề của Đảng, của chính quyền, từ đó mới huy động được sức mạnh của dân trong sự nghiệp xây dựng thành phố. Nhưng chừng nào mà công tác thông tin tuyên truyên chưa được nâng cao, chưa thâm nhập vào quần chúng thì việc xây dựng và phát trriển thành phố khó mà đẩy nhanh lên được.
Hãy nhìn sự tiên bộ của các thành phố kết nghĩa với Huế, nhìn các thành phố trong khu vực miền Trung thì sẽ thấy thành phố mình còn bao nhiêu việc cần làm ngay.
Trần Thân Mỹ