Theo các nhà phân tích và nghiên cứu đô thị, trong quá trình đô thị hoá, các vấn đề nảy sinh thường gặp phải đó là: Vấn đề di dân; tình trạng thất nghiệp và phân hóa giàu nghèo, vấn đề nhà ở, quản lý trật tự xã hội, vấn đề phát triển hạ tầng và ô nhiễm môi trường.
Tuy chưa trầm trọng như những đô thị lớn khác nhưng đô thị Huế cũng đã bắt đầu bộc lộ những vấn đề nêu trên. Có những mặt không phải là không trầm trọng.
Vấn đề di dân: Ở Huế kinh tế chưa phát triển mạnh, chưa có những khu công nghiệp lớn thu hút mạnh lao động ngoại tỉnh mà chủ yếu là chuyển dịch lao động nội tỉnh. Lao động từ nông thôn chuyển dịch lên thành phố tham gia vào các nhà máy, công sở là một bộ phận nhỏ. Một bộ phận lớn từ nông thôn lên thành phố là lao động tự do, mùa vụ, buôn bán nhỏ, các loại hình lao động giản đơn. Một bộ phận lao động khác ở trong và ngoại tỉnh tham gia vào các loại hình dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác. Đây là một bộ phận lao động rất khó quản lý nên không loại trừ khả năng phát sinh những tệ nạn xã hội.
Một hệ lụy khác của vấn đề di dân đã tạo một áp lực cho phát triển hạ tầng, nhà ở, ô nhiễm môi trường. Có thể nói đây là điều biểu hiện rõ nhất ở đô thị Huế. Nếu cách đây chục năm việc giao thông ở Huế không có sự tắc ngẽn nào đáng kể thì nay đã diễn ra thường xuyên ở một số trục đường, một số điểm nút giao thông.
Khi ở các phường trung tâm trở nên chật chội, giá đất ở mức rất cao, nhu cầu về nhà ở hiện tại được giải quyết phần lớn là các vùng ven đô. Các phương ven đô do đất còn rộng, tính chất quản lý đô thị của chính quyền cơ sở vẫn chưa rõ nét nên cũng làm phát sinh một số vấn đề: buôn bán đất trao tay, xây dựng trái phép, không theo qui hoạch.
Mỗi năm có đến hàng trăm lô đất ở các vùng ven đô được tách thửa ( cả hợp pháp và không hợp pháp) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian đô thị. Vấn đề xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng phát sinh ở nhiều nơi trong tỉnh.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, người dân đô thị cần có trình độ văn hoá tay nghề cao để tiếp cận với khoa học kỹ thuật – công nghệ và đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng lao động. Song thực tế cho thấy ở Huế lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này thể hiện rất rõ ở sàn giao dịch việc làm ở Huế. Các phiên giao dịch việc làm người tham gia tuyển dụng rất đông nhưng chỉ có một tỷ lệ ít đáp ứng được yêu cầu.
Điều này có liên quan đến chất lượng đào tạo nghề ở Thừa Thiên Huế. Khi một lực lượng lao động không tuyển dụng được vào những việc làm ổn định thì họ sẽ tìm kiếm đủ loại nghề tự do. Áp lực của sự phát triển, văn minh đô thị cũng phát sinh từ đó.
Lê Phương