Cái được là điều khẳng định, dễ chấp nhận và nhiều người nhìn thấy: Huế đàng hoàng hơn, bộ mặt đô thị được chỉnh trang, các đường phố, cơ sở hạ tầng, không gian,… đẹp đẽ hơn. Người dân Huế cũng trở nên phấn chấn hơn, mọi người cùng hưởng ứng vui chơi với tinh thần, không khí festival.
Từ lâu, người ta biết về vẻ đẹp của văn hóa Huế với sông Hương núi Ngự, với lăng tẩm chùa chiền, nhà vườn, ẩm thực, với những nét thơ mộng của thành phố bên bờ sông huyền thoại, còn hôm nay, qua những kỳ Festival, vẻ đẹp của Huế lại càng được nâng lên bởi sự kết hợp giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian.
Huế đêm hội Festival
Có thể nói, Festival Huế là cơ hội tốt để văn hóa Huế sống dậy, cộng hưởng, kết tinh và lan tỏa đến mọi vùng miền của cả nước và trên thế giới. Qua đó khách quốc tế và trong nước càng yêu Huế, tìm đến Huế, và cũng qua đó du lịch, ngành công nghiệp không khói càng có điều kiện phát triển ở vùng đất tâm linh và huyền thoại này. Làm sao qua mỗi lần festival chúng ta cùng nhau suy ngẫm để chuẩn bị cho lần festival mới được tổ chức tốt hơn, hoành tráng hơn, rung động lòng người hơn, mang nhiều ý nghĩa hơn và không bị nhàm chán, lặp lại? Từ cách nghĩ đó, những suy ngẫm của chúng ta về Festival Huế có thể thế này chăng:
Muốn tổ chức ngày càng tốt hơn festival, người dân Huế và nhất là những cán bộ chịu trách nhiệm chuyên trách về tổ chức lễ hội cần thiết phải hiểu biết sâu sắc về lễ hội. Festival là từ quốc tế thông dụng để chỉ về lễ hội. Đó là sự kết hợp giữa phần lễ, mà ở đây phần lễ là cái hồn của lịch sử, vùng đất và con người của Huế, còn phần hội là phần vui chơi, thể hiện sắc thái của vùng văn hóa này. Nói đến lễ hội là nói đến tính hoành tráng, tính dân gian, tính xã hội của nó.
Nhà nghiên cứu nhân học Alessandro Falassi đã định nghĩa: “Lễ hội là hoạt động định kỳ biểu thị thế giới quan của một vùng văn hóa hay một nhóm xã hội thông qua hành lễ, diễn xướng, nghi lễ và trò chơi truyền thống”. Bởi vậy, muốn làm tốt việc tổ chức lễ hội, chúng ta cần phải có những hiểu biết sâu sắc về lễ hội, về cái hồn của thế giới quan văn hóa Huế, về cái sắc thái đặc trưng của vùng văn hóa này, để từ đó, việc tổ chức lễ hội có cơ sở khoa học, có tính chuyên nghiệp và bài bản, có đặc trưng, dấu ấn của văn hóa vùng mà không thể hòa lẫn với lễ hội ở nơi khác.
Trong đêm Lễ hội áo dài
Việc tổ chức lễ hội phải dựa trên cơ sở lịch sử, văn hóa của con người và vùng đất xứ Thuận Hóa – Huế, phải khai thác hết mọi giá trị tiềm ẩn trong tầng sâu của vùng văn hóa này. Vì vậy, những người tổ chức lễ hội cần phải hiểu biết sâu rộng những nét đặc trưng, sắc thái điển hình, “cái thần” của văn hóa Huế.
Ở đây, văn hóa Huế không nên nghĩ chỉ là những giá trị đặc trưng trong không gian vùng đô thị Huế, như nhà vườn, kiến trúc lăng tẩm, văn hóa cung đình, mà những giá trị của nó phải được lan tỏa và mở rộng ra một không gian rộng lớn hơn, như Hội vật làng Sình, lễ hội ầu mưa của cư dân nông nghiệp vùng ven đô, lễ hội sông nước của cư dân vùng đầm phá Cầu Hai – Tam Giang, lễ hội cầu ngư của cư dân vùng biển Thuận An, cả lễ hội hát bài chòi, sắc bùa, cả nhiều trò diễn và trò chơi dân gian phải được tái hiện… Ở đây, sắc thái văn hóa của lễ hội Huế phải được biểu đạt về cả hình thức và nội dung; hình thức là trang phục, là không gian tổ chức lễ hội, là quy mô lễ hội, còn nội dung là sắc thái văn hóa Huế, là tâm hồn con người Huế được thể hiện ở các chương trình lễ hội. Không phải cứ mặc áo dài đi trên đường phố là tạo thành một lễ hội áo dài Huế, mà áo dài đó phải là áo dài Huế, cách đi của con gái Huế và bối cảnh là cầu Trường Tiền với dòng sông Hương. Cũng không phải lễ hội Đêm Hoàng cung là dọn cho du khách những món ăn Huế trong khung cảnh cung đình mà phải là tái hiện đêm hoàng cung vua đãi yến tiệc…
Nói đến lễ hội là nói đến tính xã hội hóa và tính hoành tráng của nó, hoành tráng ở không gian, quy mô tổ chức và hoành tráng cả về việc những người dân, cộng đồng cùng tham gia vào chương trình lễ hội. Vì vậy, phải tăng cường hơn nữa các hoạt động lễ hội cộng đồng, phải tạo cơ hội cho người dân tham gia vào hoạt động lễ hội để hình thành các chương trình lễ hội đường phố, lễ hội làng, mà ở đó người dân từ trẻ nhỏ đến người già và cả du khách gần xa, tất cả đều được tham gia vào lễ hội. Và dẫu việc tổ chức lễ hội như vậy không mang lại nguồn thu trước mắt nhưng sẽ mang lại một nguồn thu lâu dài với việc lan tỏa văn hóa Huế qua phát triển du lịch, qua tình cảm mà mọi người ở mọi nơi dành cho Huế, tìm đến Huế.
Việc tổ chức lễ hội là một hoạt động mang tính lịch sử, tính khoa học và tính đại chúng. Tính lịch sử là lễ hội phải từ nguồn mạch của lịch sử; tính khoa học là sự hợp lý, thuận lẽ với trời đất, với lòng người; và tính đại chúng là để mọi người dân cùng say sưa, cùng ngây ngất trong không khí và tinh thần lễ hội. Bởi vậy, để thực hiện tốt Festival Huế, cần thiết phải thành lập một Hội đồng cố vấn khoa học, đó là những người am hiểu về lịch sử, văn hóa của vùng đất này, am hiểu sắc thái văn hóa đặc trưng của Huế, am hiểu những yếu tố phong thủy, tâm linh của con người và vùng đất này, để họ đề xuất những chương trình lễ hội phù hợp với lịch sử, thiên nhiên và con người nơi đây.
Ngày xưa, người dân tổ chức lễ hội đều có Hội đồng già làng, các bô lão bàn bạc để thống nhất việc tổ chức lễ hội, ngày nay, việc tổ chức lễ hội cũng cần một hội đồng như vậy, chỉ khác đó là hội đồng của các nhà khoa học, của những người già đại diện cho nhân dân. Vì vậy, các chương trình lễ hội không nên thành lập các Hội đồng cố vấn mà ở đó chủ yếu là những người đại diện cho các công ty, các xí nghiệp tài trợ cho lễ hội và cả những quan khách mà việc am hiểu về lịch sử, con người vùng đất này còn ít ỏi, không nên biến các chương trình lễ hội thành các chương trình sân khấu hóa và chịu sự chi phối của các công ty, doanh nghiệp tài trợ.
PGS – TS Nguyễn Văn Mạnh