Ông Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhìn nhận một thực tế khi cho hay, trong năm 2010, lượng khách du lịch đã tăng 12% và doanh thu tăng 20% nhưng chủ yếu vẫn là khách nội vùng như Thái Lan, Lào. Khi lý giải, mấu chốt của vấn đề thì du lịch Huế vẫn đang còn ăn theo di sản và cảnh quan thiên nhiên. Không chỉ thiếu những tour, tuyến mới, điều mà Huế còn thiếu là các trung tâm dịch vụ, giải trí... để tăng ngày lưu trú của khách và kéo khách quay trở lại. “Chỉ có thể thoát được tình trạng 90% làm dịch vụ cho các hãng lữ hành của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nếu mở được các chuyến bay quốc tế, phát huy được hiệu quả và hiệu suất của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài” – ông Dũng nêu vấn đề. Nhưng mặt khác, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại một lần nữa thừa nhận, công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch ra nước ngoài còn yếu. 700 triệu đồng/năm trong lĩnh vực này là một con số quá nhỏ nhoi và vì thế, tầm “phủ sóng” cũng hãy còn quá hạn hẹp, mặc dù trong năm qua, chúng ta có Festival Huế 2010.
Thực ra thì những sản phẩm mới cho Huế đã không dừng lại ở việc nghĩ đến mà đã được khởi động. Đáng tiếc là những khởi động này vẫn chỉ là bắt đầu và có cái đã ở... sau lưng sự bắt đầu. Chẳng hạn như các tour du lịch làng nghề thăm làng nghề Phường Đúc (TP Huế) xem chừng đã thất bại, có cái hãy còn rất manh nha dù đã được kỳ vọng không ít như tour du lịch về thăm làng cổ Phước Tích (gắn với việc phục hồi nghề gốm cổ ở Phước Tích – Phong Điền), tour du lịch về thăm làng Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang) có tiến triển nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Ngay cả các vùng du lịch biển, du lịch đầm phá Tam Giang, du lịch sông suối hay du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... cũng chưa khai phá được hết tiềm năng vốn có khi cái thì đơn thuần dựa vào những gì đã có sẵn, cái thì đang trong quá trình thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, còn thiếu một sự đầu tư mang tính tập trung với những hoạch định cụ thể.
2. Nhìn một cách vi mô hơn, câu chuyện về sự phát triển cho du lịch Huế còn “vướng” từ những vấn đề xem ra rất “hạ tầng”, chẳng hạn như tinh thần phục vụ và vệ sinh ở các điểm lữ hành còn quá kém cỏi. Người ta còn bảo, người làm du lịch Huế chảnh lắm, lắm khi bói không ra nụ cười, làm thượng khách không biết đường nào mà lần. Việc chăm sóc khách hàng ở các điểm lữ hành đến các điểm tham quan, mua sắm, nhà hàng... thiếu chu đáo. Khách gọi món thấy chậm, hỏi vì sao – cười, hoặc dạ, đang làm. Khách thấy vẫn chậm, hỏi lại vẫn thấy cười. Chỉ món này, món kia trên thực đơn lại được một cái cười: dạ thông cảm, nhà hàng không có. Mà lần nào cũng thế. Mãi rồi lòng tin cậy không còn nữa.
Cứ tưởng những điều này chỉ bức xúc với du khách, thế nhưng ngay cả người Huế cũng không chịu nổi ở “sự chảnh” và việc đánh mất lòng tin. Ngay tại diễn đàn của Tỉnh ủy, nhiều đại biểu cùng chung ý kiến: ẩm thực Huế nổi tiếng, nhưng để tìm cho được vài nhà hàng (không phải là khách sạn) khả dĩ để mời khách điểm tâm cũng khó khăn, quanh đi quẩn lại cũng vẫn những tên cũ, quán cũ, đa phần là vỉa hè với cả sự nhếch nhác. Thiếu đầu tư, chậm đổi mới cả về quy mô, cung cách phục vụ lẫn các món ăn (sản phẩm) là điều được nhiều người đề cập tới...
3. Có rất nhiều vấn đề đang được thảo luận và đề nghị được thảo luận để Huế có thêm những sản phẩm mới, thực sự được thị trường du lịch đón nhận, kéo dài thời gian lưu khách, tăng lượng khách đến cũng như lượng khách quay trở lại. Điều này thực sự đã trở nên nóng lên, bức xúc hơn khi trong một thời gian không lâu nữa, vào đầu tháng 4 năm 2012, Huế sẽ đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia gắn với Festival Huế.
Mặt khác, cũng cần nhận thấy rằng, trong tiến trình phấn đấu để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương khi hội đủ điều kiện, bên cạnh việc thực hiện các chương trình trọng điểm và các giải pháp mang tính đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng cho đô thị, xây dựng nguồn nhân lực và đổi mới cải cách hành chính, cần phải tập trung vào các đặc trưng và lợi thế so sánh của Huế về văn hóa du lịch và du lịch văn hóa và đặt các lợi thế này trong việc hướng đến việc xây dựng một thành phố cảnh quan, di sản, thân thiện với môi trường vào năm 2020.
Điều này cũng được hiểu là, phải nghĩ ngay đến những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong việc tạo dựng các sản phẩm du lịch phong phú hơn, đa dạng hơn cho Huế. Có cái phải có sự đầu tư của tỉnh, của ngành, của các địa phương có điểm du lịch nhưng có cái cần phải phát huy tốt nội lực của người dân trong cách thức đầu tư. Và điều mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là phải thay đổi được nhận thức của doanh nghiệp và người dân khi tham gia vào thị trường này, ví như sự dám làm, dám đầu tư, sự năng động và sáng tạo khi nghĩ đến các “chiêu” hút khách có hiệu quả và biết cách quảng bá sản phẩm đạt chất lượng của mình. Ngay cả một chuyện nhỏ thôi là biết cách sử dụng nụ cười như một sự chào đón cởi mở và thân thiện, chứ không phải là cười trừ, cười lấy được ...như nhiều người phàn nàn khi đến Huế.
Hạnh Nhi