ClockThứ Năm, 26/09/2013 06:57

Đánh mất câu ca xưa

TTH - Khó quên và đầy những băn khoăn trong tâm tưởng bao người là câu ca một thời về dòng sông An Cựu mà đã mấy chục năm nay hằng ngày tôi vẫn qua lại. Nó thân thương, gần gũi tới mức ai cũng thuộc, cũng nhớ và lời rằng: “Sông An Cựu nắng đục, mưa trong”.

An Cựu chỉ là con sông đào. Nói vậy để hiểu nó ra đời là vì ý muốn và cũng vì cái lợi hướng tới của con người. Những vị vua Nguyễn đầu tiên có công khai sinh ra con sông này đã không dấu giếm khi còn đặt tên cho sông An Cựu là “Lợi Nông”. Sông được đào thêm để khơi thông sông Hương và sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thủy ở phía nam đô thành Huế, nơi nổi tiếng với “gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng”.

Sự tích kể rằng, dòng sông An Cựu khơi thông với Hương Giang từ vũng eo dưới mũi cồn Dã Viên. Do khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng nhiều năm ẩn dật dưới dòng Hương khiến cho hang động lộ ra. Thế là, mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được con quái vật trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn. Bởi vì lẽ đó mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày đó. Còn những ngày thu như hôm nay, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trong vắt như mặt nước Hương Giang. Một cách giải thích đầy huyền bí và ma mị. Nó góp phần làm tăng lên sự bí ẩn và linh thiêng của dòng Hương Giang mà An Cựu là con sông nhánh.

Khi mà những câu chuyện huyền thoại khó đóng đinh được trong suy nghĩ của người trần mắt thịt thì có một cách lý giải về sự trong - đục của con sông An Cựu khả dĩ thuận tai. Theo cách giải thích này thì do dưới lòng sông An Cựu có chứa một hàm lượng lớn nguyên tố sắt. Vào mùa nắng, sông cạn dòng, nhiệt độ lên cao do đó xảy ra phản ứng khử tạo ra oxit sắt kết tủa có màu nâu đỏ và chính hàm lượng oxit sắt này lơ lửng đã làm cho nước sông có màu đục ngầu. Đến khi trời lạnh, lớp oxit sắt này lắng xuống nên dòng sông lại trong xanh. Cũng là một cách nói nghe hay hay và có lý. Nó như một lời biện minh về cái sự lạ mà câu giải đáp thật ngọn nguồn và chính xác nhất xem ra là điều không thể.

Chợt nhớ về câu ca “Sông An Cựu nắng đục mưa trong” khi vào buổi sáng thu nay, Huế vừa trải qua cơn lũ nhỏ. Đứng ở dưới này cầu An Cựu nhìn lên, bất giác tôi giật mình khi thấy một dòng nước lũ đục ngầu màu sét đỏ. Không còn là “nắng đục mưa trong” của ký ức ngày nào mà là một màu nước đục ngầu nhức mắt của sự lở lói. Người xưa bảo, An Cựu là dòng sông đào nhận nước từ sông Hương trong xanh chảy về phá Hà Trung và ra biển nên ngay cả những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì không có nhiều nước nguồn trên núi chảy về. Cái sắc màu của nước lụt trên dòng sông An Cựu nay cũng khác xưa nhiều. Nó không phải là thứ “nước bạc” của hiện tượng “sỉa nguồn”. Mưa rừng khiến nước tích chứa vào các túi nước ngầm, phần còn lại thấm no đầy vào xác lá cây rừng khô mục. Đến một lúc nào đó, lượng nước tích lại quá lớn thì mới xảy ra hiện tượng “sỉa nguồn’, một kiểu “tức nước vỡ bờ”. Nhìn xa và toàn cục nước đục ngầu nhưng vốc thử một ngụm vào tay lại thấy trong. Ngày lụt đi đâu làm gì cũng không quên lời mẹ dặn, không được ngâm mình trong nước bạc mà cảm lạnh khó chữa.

Bất giác lại nghĩ đến cơn giận của con thuồng luồng trong huyền thoại về con sông đào An Cựu. Một cơn giận không phải vô cớ kéo dài quanh năm khiến dòng nước An Cựu cứ mãi đục, càng mưa to càng đục mới lạ và khác xưa nhiều lắm. Nó cũng đồng nghĩa, một câu ca đã bị đánh mất.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top