Thứ Sáu, 14/01/2011 05:04
(GMT+7)
Chưa tuân thủ quy định
TTH - Tiếp sau Thuỷ điện (TĐ) Bình Điền, vừa qua TĐ Hương Điền đã đưa 2/3 tổ máy vào hoạt động. Sự ra đời và hoạt động của 2 nhà máy nói trên đã khai sinh ngành công nghiệp TĐ đầy tiềm năng của tỉnh và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp đáng ghi nhận, nhà đầu tư của 2 dự án (DA) trên đã gây ra những hậu quả đáng nói; trong đó, việc không tuân thủ qui định làm vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước đã để lại hậu quả nguy hại.
Theo ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH NN1TV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế (Huewaco), sau khi công ty công bố cấp nước an toàn cũng là thời điểm nhà máy TĐ Bình Điền đi vào hoạt động, chất lượng nước nguồn sông Hương bị biến đổi đột biến về mùi, màu; tỷ lệ sắt và mangan tăng từ 10 đến 40 lần. Nguyên nhân của tình trạng trên là do TĐ Bình Điền đã không làm vệ sinh lòng hồ, không có cửa xả đáy, khiến cho nước thiếu ôxy nghiêm trọng, không tự thanh lọc và nhiểm bẩn...
Trước tình trạng trên, Huewaco đã có văn bản kiến nghị lãnh đạo tỉnh có biện pháp xử lý. Đầu tháng 8-2009, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu TĐ Bình Điền phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường và các sở, ngành liên quan tìm giải pháp khắc phục và hỗ trợ chi phí. Tuy nhiên, sự việc lại rơi vào im lặng! Về phía Huewaco, để bảo đảm nguồn nước an toàn, công ty đã nghiên cứu và tìm ra biện pháp xử lý kịp thời như: dùng than hoạt tính để loại bỏ bớt mùi hôi và độc chất; sử dụng polymer nhằm tăng hiệu quả lắng; tăng cường xử lý javel, soda ở công đoạn đầu để loại bỏ bớt sắt và mangan... Tổng chi phí xử lý nước mất khoảng 15 tỷ đồng sau hơn 1,5 năm thuỷ điện Bình Điền đi vào hoạt động. Đó là chưa kể việc phải thường xuyên súc rửa toàn bộ hệ thống đường ống để loại bỏ các chất bám bẩn.
Chất lượng nguồn nước sông Hương bị suy giảm do TĐ Bình Điền đã quá rõ; nhưng hậu quả lâu dài của nó đến đâu vẫn chưa ai lường tính được đang là nỗi lo của hàng chục ngàn hộ dân dùng nước máy ở Huế và các vùng phụ cận; đồng thời là mối quan tâm chung về môi trường nước của Sông Hương. Trong khi TĐ Bình Điền không vệ sinh lòng hồ gây ô nhiễm nguồn nước sông Hương chưa được xử lý triệt để, thì sau đó TĐ Hương Điền lại vội vàng chặn dòng sông Bồ khi chưa được phép ngay trong lúc vùng hạ du cần nước để sản xuất hè thu và cũng chẳng hề tuân thủ qui định về việc vệ sinh lòng hồ. Đó là những việc làm không thể chấp nhận!
Tháng 10 vừa qua, Huewaco tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo về sự biến đổi chất lượng nguồn nước sông Hương sau khi TĐ Bình Điền đi vào hoạt động. Sau đó, UBND tỉnh đã có công văn ngày 9-11-2010 gửi các ngành chức năng và các đơn vị liên quan yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc vệ sinh lòng hồ TĐ, thuỷ lợi. Vệ sinh lòng hồ TĐ, thuỷ lợi trước khi tiến hành tích nước là việc làm bắt buộc và đã được Nhà nước qui định rõ nhằm bảo đảm môi trường nước; nhất là đối với nguồn nước liên quan đến sản xuất và sinh hoạt. Việc các chủ đầu tư DA TĐ không thực hiện qui định này thực chất là cố tình vi phạm để tiết giảm chi phí đầu tư vì lợi riêng. Hậu quả của nó là cả cộng đồng phải gánh chịu!?
Theo qui hoạch, Thừa Thiên Huế có 21 công trình TĐ vừa và nhỏ. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 DA phát triển TĐ; trong đó có 4 DA được triển khai. Đáng chú ý là các DA TĐ này đều nằm ở đầu nguồn các con sông Hương và sông Bồ, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Huế và các địa phương lân cận... Nếu không xử lý nghiêm túc và triệt để những vi phạm nói trên theo qui định của pháp luật sẽ tạo ra những tiền lệ xấu và nguy hại về kinh tế - xã hội và môi trường trên địa bàn.
Hoàng Thành