1. Với nhiều doanh nghiệp (DN) trên cả nước nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng, đặc biệt là các DN chế biến gỗ, thủy sản, dệt may, mùa sản xuất cuối năm thường được trông đợi và chuẩn bị kỹ càng đón nhận đơn hàng tấp nập, song cùng với đó là nỗi lo từ giá nguyên liệu “leo thang”. Giá gỗ cao su trên thị trường hiện nay đã vượt hơn 5 triệu đồng/1m3 loại dày 26mm, tăng 2 triệu đồng/1m3 so với năm trước, chẳng thua kém gỗ cứng nhập khẩu; đành vậy, song, có DN không có gỗ để làm. Hiện có DN đang sử dụng nguồn gỗ còn lại trong kho, còn đối với những đơn đặt hàng từ nay cho đến Tết Tân Mão, nếu tình hình không cải thiện sẽ tìm cách thương lượng, mua lại của các DN kinh doanh cùng lĩnh vực.
Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật với bài toán kinh doanh mùa cuối năm
Có lẽ cũng chưa có năm nào khó khăn nhiều đối với các DN ngành sợi dệt như năm nay, khi giá bông nhập khẩu tăng vọt, cùng với tỷ giá ngoại tệ tăng. Giá bông giao dịch kỳ hạn trên thị trường New York đã vượt ngưỡng 1,1 USD/pound, cao chưa từng có trong lịch sử, tăng đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 10 và 11 cũng là cao điểm xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên giá tôm nguyên liệu cũng đang ở mức cao, cùng với giá thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư thủy sản khác như thuốc thú y, bao bì lệ thuộc vào nhập khẩu đã đưa giá thành xuất khẩu tăng lên. Do đó, với các DN của các ngành từ thủy sản, gỗ cho đến dệt may, da giày... xuất khẩu thu về ngoại tệ thì việc hưởng lợi từ tỷ giá VND với USD tăng hơn 5% trong năm vẫn chưa đủ bù lại cho tăng chi phí của các yếu tố nằm trong giá thành, từ nguyên, nhiên liệu cho đến các loại vật tư, máy móc sản xuất, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; chưa tính đến trả lãi cho các khoản vay của ngân hàng.
Hàng loạt chi phí “đầu vào” tăng giá, nhưng để tăng giá “đầu ra” không phải là việc đơn giản; đặc biệt với DN xuất khẩu, từ ngành hàng nông, lâm, thủy hải sản cho đến hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử bởi phần lớn đều gia công sản phẩm cho nước ngoài. Tăng giá đồng nghĩa với nguy cơ bị khách hàng rời bỏ. Bài toán kinh doanh từ nay đến cuối năm thực sự nan giải đối với DN. Với tình hình giá nguyên liệu luôn ở xu hướng tăng trong mùa cao điểm, DN phải tính đến việc mua trữ nguyên liệu, gấp đôi hoặc hơn so với mức bình thường. Nhưng đồng vốn phần lớn nằm trong lưu thông, sản xuất hoặc khách hàng chưa thanh toán nên nhiều DN thường phải đi vay. Ở Thừa Thiên Huế, trừ một vài DN lớn, có uy tín; còn lại đa số các DN vừa và nhỏ; con đường đi vay thường rất “gập ghềnh”.
2. Các ngân hàng (NH) hiện đang đẩy mạnh “bơm” vốn ra thị trường với mục đích đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, chương trình tín dụng này có thể sẽ không đạt kết quả cao như kỳ vọng vì sức “hấp thụ” vốn còn chậm do lãi suất cho vay vẫn còn khá cao.
Trong tháng 10-2010, tốc độ dư nợ chậm, nên dư địa tín dụng trong quý cuối cùng của năm nay tại các NH còn khá lớn. Trong khí đó, nhu cầu vốn của DN có chiều hướng tăng về những tháng cuối năm. Vì thế, nhiều NH đang dành ra những khoản tiền lớn cho các DN, cũng như cá nhân có nhu cầu vốn vay. Từ nay đến cuối năm 2010, ACB dành 3.000 tỷ đồng cho vay DN, bao gồm cả DN tư nhân với lãi suất bằng 80% chi phí lãi vay. Chương trình cho vay qua hệ thống ACB online và vốn sẽ được giải ngân chỉ sau 1 phút cũng đã được triển khai. Các NH khác cũng đưa ra chương trình ưu đãi đối với DN và khách hàng cá nhân, với lãi suất cho vay từ 12-13%/năm. Các DN SXKD, vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giảm lãi suất từ 14,5%/năm xuống 12-12,5%/năm; kinh doanh bất động sản từ 16%/năm xuống 13-14%/năm; cho vay thu mua lương thực từ 12,5%/năm còn 11,5%/năm.
Nhu cầu vốn bằng VND của các DN có chiều hướng tăng mạnh vào cuối năm nên các NH cũng coi đây là một thời điểm thích hợp để đẩy mạnh chương trình tín dụng. Song những quy định của Thông tư 13 mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, có hiệu lực từ đầu tháng 10 vừa qua đã có một số ảnh hưởng đến các chương trình phát triển tín dụng của các NH. Một số quy định đã được điều chỉnh có lợi đối với hoạt động cho vay, nhưng chất lượng tín dụng sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Nếu không, các NH sẽ buộc phải trích lập dự phòng cho vay cao hơn, dẫn đến lợi nhuận giảm. Đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán, hệ số rủi ro cao. Quy định này sẽ khiến các NH gặp khó khăn trong việc triển khai tín dụng cuối năm. Dư nợ tín dụng quý IV-2010 được dự báo có thể sẽ tăng mạnh, tuy nhiên đột biến hay không còn phụ thuộc vào phương án kinh doanh của DN.
Hiện lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm nhẹ đối với lĩnh vực SXKD. Song tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định nên mức lãi suất 12-14% vẫn là khá cao và gây khó khăn cho DN tiếp cận vốn vay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay nhiều biến động, hoạt động SXKD của phần lớn DN còn gặp nhiều khó khăn, tỷ suất sinh lời của nhiều dự án kinh doanh ở mức thấp hoặc hòa vốn. Vì vậy, mức lãi suất các NH đưa ra vẫn là một thách thức cho DN. Với những khó khăn đó, Hiệp hội Ngân hàng phát đi thông điệp đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhằm giảm áp lực lãi vay cho DN.
Bạch Quang