Thứ Năm, 01/09/2011 05:18
(GMT+7)
Cần một cuộc "đại phẫu"!?
TTH - Khởi công tháng 4/2001, đến tháng 1/2003 tuyến đường được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngay sau khi hết thời hạn bảo hành một năm, công trình bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.
Theo các chuyên gia giao thông, một công trình đường bộ, nếu xây dựng đảm bảo thì ít lắm cũng sử dụng được 10 năm mới bắt đầu xuống cấp. Vậy tại sao đường phía tây Huế xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng? Có nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu được thực hiện. Có nhiều nguyên nhân đã được nêu ra... Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một kết luận cụ thể nào. Thông thường, chất lượng công trình thường được quyết định từ chất lượng của 3 yếu tố: khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát và thi công xây dựng. Chỉ cần 1 trong 3 yếu tố trên “có vấn đề” sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chung của công trình. Với tuyến đường phía tây Huế, nguyên nhân nhanh xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng được nêu ra là do địa chất công trình phức tạp, do thời tiết quá khắc nghiệt, do lưu lượng và tải trọng của phương tiện giao thông quá lớn... không được tính kỹ. Tóm lại là do khách quan, mà chủ yếu là do... ông trời! Mà do ông trời thì chỉ có... “bó tay.com”!?
Thực ra, những nguyên nhân nêu trên chỉ là một cách giải thích nguỵ biện. Vì địa chất phức tạp, thời tiết khôn lường, lưu lượng lưu thông lớn... mới cần đến (và tốn kinh phí) cho công tác khảo sát thiết kế. Do vậy, ở đây nói cho cùng, nếu đúng là vì các nguyên nhân trên thì cần xem lại chất lượng công tác khảo sát thiết kế. Mặt khác, chất lượng thi công xây lắp liệu có thật sự bảo đảm và tin cậy khi dư luận cho rằng thất thoát lớn nhất trong xây dựng cơ bản hiện nay là ở lĩnh vực giao thông!? Cuối cùng, các yếu tố chất lượng của công tác khảo sát thiết kế, thi công xây lắp... đều liên quan đến chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát. Rắc rối là vậy, nên khi công trình “có vấn đề” người ta thường đổ lỗi cho khách quan là... xong chuyện.
Sau một thời gian duy tu sửa chữa đầy tốn kém nhưng không mấy hiệu quả, mới đây, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã có quyết định bỏ ra hơn 437 tỷ đồng (tương đương số tiền bỏ ra để xây dựng và sửa chữa từ trước đến nay - chưa tính trượt giá) để tiếp tục đầu tư một số hạng mục xử lý và tăng cường nền mặt đường thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thành phố Huế. Đây quả là một tin vui đối với “con đường đau khổ” này. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là, sau lần “đại tu đầy tốn kém” này liệu công trình có bảo đảm chất lượng, hay vẫn tiếp tục... vá và sửa?! Theo chúng tôi, bên cạnh việc đầu tư sửa chữa nói trên, các cơ quan chức năng cần có một cuộc “đại phẫu” đối với toàn bộ hoạt động khảo sát thiết kế, thi công xây dựng và công tác quản lý giám sát, nghiệm thu đối với dự án này để làm rõ sai phạm; đồng thời, thấy rõ hơn “căn bệnh phổ biến” về chất lượng và tuổi thọ của các công trình xây dựng giao thông hiện nay. Nếu không, việc chống “căn bệnh trầm kha” về lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vẫn là chuyện... trên giấy!
Hoàng Thành