ClockThứ Tư, 24/11/2010 19:01

Cách hội nhập của người Nhật…

TTH - Một thế kỷ trước, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã dựng một tấm bia trên đất Nhật để tưởng nhớ một mạnh thường quân từng bảo trợ phong trào Đông Du. Một trăm năm sau, chính người Nhật lại cho tạc một tấm bia thứ hai để tặng cho nhân dân Việt Nam. Lịch sử đã được người Nhật tận dụng như một cơ hội để bắc nhịp cầu văn hóa mà theo họ, đó chính là chiếc chìa khóa của tiến trình hội nhập và phát triển…

Tấm bia được tạc từ tiền quyên góp của 200 người dân Nhật, vừa được an vị tại di tích lưu niệm Cụ Phan trên dốc Bến Ngự (T.P Huế). Từ đây, một câu chuyện lay động của 100 năm trước được đời sau xới xáo…

Trước năm 1945, Nhật từng là phát xít xâm lăng Việt Nam. Nhưng cũng chính lịch sử đã nhắc nhở hậu thế rằng, xa hơn, từ những năm đầu thế kỷ XX, có những người Nhật như bác sĩ Asaba Sakitaro, từng ủng hộ những người yêu nước Việt Nam trong phong trào Đông Du với một tinh thần nghĩa hiệp. Và câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại đó, nếu như 100 năm sau, hậu thế của Asaba Sakitaro đã không biết trân trọng và tận dụng lịch sử như một cơ hội để hòa giải và phát triển mối quan hệ dân tộc. Không chỉ có tấm bia, năm 2005, Hiệp hội Asaba Việt Nam được thành lập, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Nhật lên tầm cao mới, mở ra con đường hợp tác với 3.000 du học sinh và 44.000 người Việt đang học tập, sinh sống tại Nhật, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 trên thế giới về số học sinh lưu học tại đây…
 
Tại hội thảo kỷ niệm 105 năm phong trào Đông Du vừa được tổ chức tại Huế, vị Chủ tịch Hiệp hội Asaba Việt Nam không ngần ngại thổ lộ: Để thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia, trước hết phải có sự hiểu biết lẫn nhau. Để hiểu nhau thì phải biết cặn kẽ văn hóa, lịch sử của mỗi dân tộc. Như thế để tránh cái nhìn thiên kiến, tránh sự hiểu nhầm. Để hiểu Việt Nam, người Nhật phải học từ những nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Đặng Thái Sơn… để xây dựng một tình bạn, một tình hữu nghị giữa hai đối tác chiến lược.
 
Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, trong một buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Sử - Đại học Khoa học Huế, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng lưu ý: Trong xu thế hội nhập và phát triển, các quốc gia sẽ ngồi trên bàn tròn đàm phán. Và “vũ khí” để thuyết phục nhau, bắt tay nhau lúc này chính là những “lá bài” văn hóa được xác lập bởi sự hiểu biết lẫn nhau.
 
Giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Tường tận bản sắc văn hóa của dân tộc khác đang được xem là chiếc chìa khóa mở cánh cửa hội nhập, là “bửu bối” để mỗi quốc gia tồn tại và phát triển. Chân lý ấy có lẽ phần nào đã được rút ra từ tấm bia đá mà Cụ Phan đã gieo cấy trên đất Nhật để rồi lại được chính các thế hệ người Nhật kế thừa một cách hoàn hảo trong tiến trình hội nhập, với tinh thần dân tộc sâu xa của một đất nước nghèo nàn đã biết đứng trên đôi chân văn hóa để vươn lên thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
 
Kim Oanh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top