Thể thao

Cầu mây “trên cả mong đợi”

ClockThứ Bảy, 30/07/2022 13:30
TTH - “Trên cả mong đợi” là phát biểu của HLV Lê Phú Vĩnh Long sau khi cầu mây Thừa Thiên Huế giành được 4 tấm huy chương, trong đó có 1 HCV tại Giải vô địch Cầu mây trẻ Quốc gia năm 2022, vừa khép lại tại Huế.

Khởi tranh giải vô địch cầu mây trẻ quốc gia

Pha tranh chấp cầu gay cấn giữa đội Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tại Giải vô địch Cầu mây trẻ Quốc gia năm 2022 vừa khép lại tại Huế

Cầu mây trình làng

Năm 2019, VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh giành được tấm HCV giải vô địch đá cầu thế giới. Điều đáng nói, đó không phải chiến thắng ăn may của đá cầu Thừa Thiên Huế. Trước đó, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018, đá cầu Thừa Thiên Huế dù còn non trẻ đã vươn mình và trở thành một trong những đối thủ đáng gờm của làng đá cầu Việt Nam.

Vào thời điểm này, ngoài Nguyễn Thị Thùy Linh, đá cầu Huế còn có dàn VĐV trẻ nhưng đủ sức chinh chiến ở các giải đấu đẳng cấp, như: Võ Thị Lành, Đinh Hữu Ánh Nguyệt, Phan Thị Tuyết, Lê Văn Đông… Từ lực lượng VĐV năng khiếu khá dồi dào này, những người làm đá cầu Huế đã tính đến chuyện thành lập đội tuyển cầu mây nhằm gia tăng sức mạnh, tính đa dạng cho bộ môn.

Tháng 6/2020, tại nhà thi đấu Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên đoàn Cầu mây Việt Nam tổ chức thành công Giải vô địch Cầu mây toàn quốc năm 2020 và các VĐV đá cầu Thừa Thiên Huế  tham gia thi đấu đoạt 1 HCĐ. Trên cơ sở đội ngũ VĐV đá cầu này, đội tuyển cầu mây Thừa Thiên Huế được thành lập gồm 16 VĐV năng khiếu. Đây được xem là phương án “B” để bộ môn đá cầu Huế phấn đấu cạnh tranh suất tham dự SEA Games 31.

Những tấm huy chương

Tại SEA Games 31 vừa được tổ chức, đá cầu không được đưa vào thi đấu. Còn với cầu mây, cũng đã không có sự góp mặt của VĐV miền Hương Ngự. Thế nhưng, thành tích mà cầu mây Thừa Thừa Thiên giành được trong 3 năm qua thật đáng tự hào. Tại Giải vô địch Cầu mây toàn quốc năm 2021 diễn ra ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), cầu mây Thừa Thiên Huế tiếp tục giành được 1 HCĐ. Tiếp đó, cầu mây Thừa Thiên Huế đổi màu với tấm HCB giành được ở Giải vô địch Cầu mây bãi biển năm 2021 tại Cửa Lò (Nghệ An). Tại Giải vô địch Cầu mây bãi biển năm 2022 ở Nha Trang (Khánh Hòa), cầu mây Thừa Thiên Huế có được 2 tấm HCĐ.

Những gương mặt nổi bật của cầu mây Thừa Thiên Huế

Ngay trong tháng 7 này, Thừa Thiên Huế tiếp tục đăng cai Giải vô địch Cầu mây trẻ Quốc gia năm 2022, quy tụ sự góp mặt của hơn 250 VĐV đến từ 14 đoàn trong cả nước. Các VĐV tranh tài ở các nội dung: đội tuyển 4 nam, đội tuyển 4 nữ, đội tuyển 3 nam, đội tuyển 3 nữ, đôi nam, đôi nữ, với các lứa tuổi từ 16 trở xuống và từ 17 đến 20. Cầu mây Thừa Thiên Huế tạo bất ngờ lớn khi giành tới 4 tấm huy chương, gồm 1 HCV nội dung đội tuyển 3 nữ U16 và 3 HCĐ (đội tuyển 4 nữ U16, đồng đội nữ U16 và U20).

Đánh giá về thành tích tại giải đấu này, HLV môn cầu mây Lê Phú Vĩnh Long tóm gọn trong một câu: "Trên cả mong đợi". Theo ông Lê Phú Vĩnh Long, hiện tại gương mặt nổi bật có VĐV Phan Thị Khánh Ly, Đỗ Thị Nguyên là những VĐV chủ lực trong nội dung thi đấu cầu mây 3 nữ và 4 nữ tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX, năm 2022 được tổ chức vào tháng 11 tới tại Quảng Ninh. Ngoài Phan Thị Khánh Ly và Đỗ Thị Nguyên, qua giải đấu vừa nêu xuất hiện thêm gương mặt nổi bật là VĐV trẻ Đặng Thị Kim Quyên.

Cần quan tâm đầu tư

Từng nhiều năm là HLV đội tuyển cầu mây nữ quốc gia, ông Hoàng Hữu Nghĩa cho rằng, cầu mây đang rất khó tìm kiếm VĐV năng khiếu, cho dù trên thực tế nó đã không còn xa lạ với người dân. Để phát triển được một VĐV cầu mây trẻ là điều không hề dễ dàng, bởi vì có sự đòi hỏi khá khắt khe về chiều cao, sức bật, sự nhanh nhẹn và nền tảng thể lực. Các địa phương kinh phí hạn hẹp nên chỉ tập trung phát triển thể thao phong trào, luyện tập một số môn đại chúng chứ chưa chú ý đến cầu mây. Do không có bất cứ giải đấu phong trào nào dành cho cầu mây nên việc tìm kiếm VĐV khá vất vả.

Câu chuyện đưa cầu mây Thừa Thiên Huế tham dự những đấu trường lớn bởi thế vẫn còn ở thì tương lai, khi đây là môn thể thao gần như... mới toanh. Bộ môn cầu mây ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa được chính thức thành lập, điều kiện tập luyện còn nhiều hạn chế, phong trào chưa phát triển… Danh mục các môn thể thao ghi rõ trong Nghị quyết về việc phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 chưa thấy xuất hiện cái tên cầu mây, kể cả trong hạng mục các môn thể thao xã hội hóa.

Theo HLV Lê Phú Vĩnh Long, nhằm tạo tiền đề hướng tới thành lập bộ môn cầu mây tỉnh Thừa Thiên Huế, chiến lược phát triển bộ môn thể thao này được xác định là cùng với việc đào tạo các VĐV đã được tuyển chọn huấn luyện thi đấu đạt thành tích tốt tại các giải trong hệ thống cầu mây quốc gia, còn hướng tới việc phát triển phong trào tại các địa phương và trường học.

Kinh nghiệm tại một số địa phương cho thấy, để cầu mây phát triển thật hiệu quả và đạt được nhiều thành tích thi đấu cao hơn, rất cần có sự đầu tư mạnh. Trước mắt, cần khắc phục những khó khăn để đưa môn cầu mây vào trường học để tạo nền tảng phong trào. Bên cạnh đó, cần phải có kế hoạch xã hội hóa rộng rãi môn cầu mây đến tận các địa phương, như vậy mới hy vọng tìm kiếm được tài năng cho môn thể thao này.

Cầu mây lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á từ thế kỷ 15 và nhanh chóng du nhập sang Thái Lan. Ở Malaysia, cầu mây chỉ là môn thể thao đối kháng một đấu một. Đến khi sang Thái Lan, nó dần phát triển thêm những nội dung đồng đội. Tại SEAP Games 1965 (tiền thân của SEA Games ngày nay), cầu mây là môn thể thao chính thức của đại hội. Tuy nhiên, khúc mắc trong việc đặt tên bởi cả Thái Lan và Malaysia đều tự nhận là của mình. Cuối cùng, một lựa chọn được đưa ra để làm hài lòng cả hai. “Sepak” có nghĩa là “đá” trong tiếng Mã Lai, còn “takraw” chính là “quả cầu mây” trong tiếng Thái.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Cầu mây & hành trình phía trước

Hiện tại, không phải cầu chinh, không phải Jujitsu và càng không phải bắn cung, mà cầu mây mới là bộ môn non trẻ nhất của thể thao Huế.

Cầu mây  hành trình phía trước
Return to top