|
Cổ vật của Việt Nam được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ tại Brussels. Ảnh minh họa: TTXVN/Báo Tin tức |
Theo đó, với sự ủng hộ và thông qua mà không cần bỏ phiếu, nghị quyết thừa nhận việc giải quyết nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa là rất quan trọng để bảo tồn bản sắc và truyền thống của các cộng đồng trên toàn thế giới, đồng thời cho phép các quốc gia chủ động bảo vệ di sản vô giá của đất nước.
Báo cáo của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thừa nhận tác động tàn phá của nạn buôn bán trái phép tài sản văn hóa nói chung, đặc biệt là ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi nạn cướp bóc và buôn lậu cổ vật thường được thực hiện bởi tội phạm có tổ chức và khủng bố.
Tăng cường thực thi pháp luật
Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên đưa ra những biện pháp hiệu quả từ cấp quốc gia đến quốc tế để ngăn ngừa và đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép cổ vật, tài sản văn hóa, cũng như cung cấp chương trình đào tạo đặc biệt cho cảnh sát, hải quan và lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới để kiểm soát vấn nạn, tránh leo thang.
Đáng chú ý, nghị quyết khuyến khích chính phủ các nước xác định việc buôn bán cổ vật, tài sản văn hóa, bao gồm cả hành vi ăn cắp và cướp bóc hiện vật khảo cổ và cổ vật văn hóa, trở thành tội nặng.
Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành lập các đơn vị cảnh sát chuyên trách, có nhiệm vụ bảo vệ hiện vật văn hóa ở những nơi chưa có đội ngũ đảm nhiêm, cũng như thúc đẩy điều tra các vụ buôn bán trái phép hiện vật văn hóa.
Vai trò của bảo tàng và các đơn vị trưng bày
Nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các bảo tàng, nhà đấu giá, nhà buôn và nhà sưu tầm nghệ thuật, cũng như các tổ chức khoa học, nghị quyết kêu gọi xây dựng lập trường chủ động để xác minh nguồn gốc của tài sản, hiện vật văn hóa, bao gồm thực hiện quy trình thẩm định nghiêm ngặt và lập hồ sơ toàn diện, đồng thời ưu tiên tính minh bạch và hợp tác với các tổ chức quốc tế và cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn nạn buôn bán trái phép tài sản, cổ vật văn hóa diễn ra mạnh hơn.
Được biết, nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những hành động liên tục được thực hiện từ các cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhằm thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong thị trường nghệ thuật, cũng như nâng cao nhận thức về việc thiết lập các cuộc điều tra nguồn gốc, thẩm định và các thủ tục hoàn trả cổ vật bị đánh cắp.
Cuộc chiến thực tế vẫn tiếp tục
Trong hệ thống Liên hợp quốc, UNESCO đã và đang dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn buôn bán và vận chuyển trái phép tài sản văn hóa.
Các biện pháp đã và đang được triển khai bao gồm những hành động thiết thực để tăng cường khuôn khổ pháp lý, cải thiện năng lực thực thi và nâng cao nhận thức của tất cả các bên liên quan. Ngoài ra, phát triển nguồn lực để tăng cường thực hiện Công ước năm 1970 về các biện pháp ngăn cấm nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao quyền sở hữu bất hợp pháp đối với tài sản văn hóa.
Trọng tâm của những nỗ lực này là Cơ sở dữ liệu về Luật Di sản Văn hóa Quốc gia của UNESCO, nơi lữu trữ hơn 3.100 điều luật từ 189 quốc gia, cung cấp nguồn tài nguyên quan trọng cho các chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức văn hóa.
UNESCO cũng phát cảnh báo trên website để thông báo cho các quốc gia thành viên, INTERPOL và các bên liên quan khác về tài sản, cổ vật văn hóa bị đánh cắp nhằm thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn nạn.
Bảo tàng ảo
Trong một động thái mang tính sáng tạo, tổ chức UNESCO đang phát triển Bảo tàng ảo về các hiện vật văn hóa bị đánh cắp, dự kiến ra mắt vào năm 2025.
Dự án mang tính đột phá này sẽ giới thiệu các mô hình 3 chiều (3D) và hình ảnh chất lượng cao về các hiện vật, cổ vật bị đánh cắp, kèm theo các câu chuyện giáo dục và lịch sử chi tiết.