ClockThứ Ba, 07/11/2017 15:04

TPP-11: Chú ý đổ dồn về APEC 2017

TPP-11 có hiệu lực không chỉ đem lại một hệ thống thương mại mở và tự do xuyên Thái Bình Dương mà còn là thông điệp mạnh nhắn gửi Mỹ quay lại với hiệp định

“Tôi mong Tổng thống tận mắt chứng kiến tiềm năng kinh tế của Việt Nam”Nền kinh tế số bị giới hạn là thách thức cho APECĐem đặc sản miền Trung lên bàn đại tiệcTổng thống Mỹ có thể gặp Tổng thống Nga tại Hội nghị APEC tại Việt Nam

Chiều 6-11, xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay ông sẽ cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Thương mại (AMM) tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở TP Đà Nẵng.

Lạc quan một cách thận trọng

Còn trong phiên đàm phán cao cấp về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo nguyên tắc, Việt Nam không là nước chủ trì hoặc đồng chủ trì mà là nước thành viên tham gia cùng và hỗ trợ nước chủ trì. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho hay chưa thể tiết lộ nước chủ trì. 

Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) xác nhận trưởng đoàn tham dự phiên đàm phán TPP của Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Hiện các trưởng đoàn vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Trước đó, tại buổi thông tin báo chí về Tuần lễ Cấp cao APEC sáng 2-11, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cho biết: "TPP sẽ hướng tới có hội nghị cấp bộ trưởng và hội nghị cấp cao tại Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng". 

Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng 1, 11 nước còn lại (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) tích cực "hồi sinh" hiệp định vốn có mục tiêu xóa bỏ các rào cản thuế quan tại 11 nước có tổng GDP khoảng 12.400 tỉ USD.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại một hội nghị truyền thông ở Sydney, Úc hôm 5-11 Ảnh: REUTERS

Theo kênh Radio NZ, tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 6-11 nhận định làm việc về TPP sẽ là ưu tiên khi bà tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vào ngày 10 và 11-11. Theo bà Ardern, New Zealand đồng ý chỉnh sửa luật cấm người nước ngoài mua nhà hiện có (vốn để ngăn tình trạng đầu cơ khiến giá nhà tăng cao).

Reuters nhận định động thái của New Zealand - được hé lộ lần đầu sau một hội nghị kéo dài 3 ngày được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 10 - là sự thỏa hiệp kịp thời. (TPP hiện đòi hỏi các nước thành viên đối xử với nhà đầu tư nước ngoài cũng công bằng như người địa phương). 

Tại hội nghị ở Nhật nói trên, 11 thành viên còn lại của TPP bàn về việc giảm bớt một số quy định của TPP "gốc", theo trang Japan Times. Ngay sau hội nghị, trưởng đoàn đàm phán TPP Nhật, ông Kuzuyoshi Umemoto, ngày 1-11 nhận định: "Khả năng tiến tới một hiệp định tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể" dù vẫn lưu ý "chưa có gì chắc chắn".

Chờ Mỹ quay lại

Tạp chí Nikkei dẫn lời ông Umemoto nhận định: "TPP-11 có hiệu lực không chỉ đem lại cho chúng ta một hệ thống thương mại mở và tự do xuyên Thái Bình Dương mà còn là thông điệp mạnh nhắn gửi Mỹ quay lại với hiệp định".

Đây cũng là mong muốn của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Theo tờ The Australian, trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier cuối tuần trước, thủ tướng Úc nhấn mạnh duy trì sự năng động của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một nhiệm vụ sống còn và bảo đảm hiệu lực của TPP là trung tâm của nhiệm vụ đó. 

"Nếu chúng ta đạt được TPP-11, thỏa thuận đó cần bảo đảm đường quay lại cho Mỹ. (…). Mục tiêu của chúng ta là tạo ra một cơ chế mở cho phép bất cứ nước nào, kể cả Trung Quốc, tham gia miễn họ đáp ứng những tiêu chuẩn cao của hiệp định".

Những thông điệp này vấp phải phản ứng dứt khoát của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát biểu tại cuộc gặp với các lãnh đạo kinh tế tại thủ đô Tokyo ở Nhật Bản hôm 6-11, tổng thống Mỹ khẳng định: "TPP không phải ý kiến đúng đắn". Ông chủ Nhà Trắng nói thêm ông sẽ giảm bớt các rào cản thương mại bằng cách khác chứ không phải trong khuôn khổ TPP, theo hãng tin Bloomberg.

Dù vậy, ông Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhấn mạnh quyết định rút khỏi TPP là một sai lầm, khiến Mỹ mất đi khả năng tiếp cận các thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. 

Trong bài phỏng vấn đăng trên Bloomberg ngày 6-11, ông Froman cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở châu Á sẽ dõi theo chuyến công du hiện nay của ông Donald Trump để tìm hiểu kế hoạch của Washington với khu vực này. 

Theo Người Lao Động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo SCMP: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ dùng bữa tối tại G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng dùng bữa tối và đối thoại tại hội nghị G20 diễn ra ở Nhật Bản cuối tháng này, theo nguồn tin của báo South China Morning Post ngày 11/6.

Báo SCMP Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ dùng bữa tối tại G20

TIN MỚI

Return to top