Thế giới

Mới tháng 8, thế giới đã dùng hết nguồn tài nguyên cho cả năm 2020

ClockThứ Bảy, 22/08/2020 09:36
TTH.VN - Theo các nhà nghiên cứu, tính đến hôm nay (22/8), nhân loại đã tiêu thụ hết tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà hành tinh có thể tái sản sinh cho cả năm 2020, muộn hơn một chút so với năm ngoái sau khi đại dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ năng lượng chậm lại.

Tăng trưởng năng lượng xanh toàn cầu giảm lần đầu tiên trong 20 nămIEA: Nhu cầu năng lượng sẽ giảm nhiều nhất trong lịch sử

"Ngày Trái đất vượt ngưỡng" năm nay được tính toán là ngày 22/8, muộn hơn 3 tuần so với năm 2019. Ảnh minh hoạ: Greenbiz

Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global Footprint Network-GFN) cho biết, “Ngày Trái đất vượt ngưỡng” – thời điểm mà thế giới sử dụng hết tất cả các nguồn tài nguyên sinh học mà Trái đất có thể tái tạo trong một năm - đã diễn ra đều đặn từ những năm 1970. Tổ chức này tính toán thời điểm “vượt ngưỡng” của năm nay là vào ngày 22/8, muộn hơn 3 tuần so với ngày 29/7 của năm 2019, đánh dấu sự đảo ngược hiếm hoi sau khi các biện pháp phong toả được áp dụng để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự suy giảm tạm thời trong lượng khí thải và khai thác gỗ. Theo GFN, điều này làm giảm 9,3% “dấu chân của nhân loại” so với năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Mathis Wackernagel - chủ tịch GFN cho rằng đây không phải là điều đáng để vui mừng, vì sự sụt giảm này không nằm trong kế hoạch mà do thảm hoạ gây ra. 

Các nhà nghiên cứu tính toán ngày nhân loại vượt quá ngưỡng tái sinh của Trái đất bằng cách xem xét "tất cả các nhu cầu của con người" về thực phẩm, năng lượng, không gian để xây dựng nhà cửa, đường xá và những gì cần thiết để hấp thụ lượng khí thải CO2 toàn cầu. So sánh điều đó với những gì có sẵn một cách bền vững, họ ước tính rằng nhân loại đang sử dụng nhiều hơn 60% so với những gì có thể phục hồi lại. “Giống như với tiền, chúng ta có thể tiêu nhiều hơn những gì chúng ta kiếm được, nhưng không phải là mãi mãi”, ông Wackernagel dẫn chứng.

Theo nghiên cứu, đại dịch đã khiến lượng khí thải carbon của nhân loại giảm 14,5% so với năm 2019, trong khi các sản phẩm từ khai thác gỗ rừng giảm 8,4%, phần lớn là do nhu cầu thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu nói rằng đại dịch đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với các hệ thống và thị trường nông nghiệp toàn cầu, nhưng kết luận cuối cùng thì quy mô lượng thực phẩm của nhân loại lại có rất ít thay đổi.

Theo GFN, những nỗ lực kiểm soát đại dịch cho thấy việc thay đổi thói quen tiêu dùng trong một khoảng thời gian ngắn là điều có thể thực hiện được. 

Ông Marco Lambertini – người đứng đầu Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dễ bị tổn thương và tập trung vào "mối quan hệ không bền vững, lãng phí, tàn phá của chúng ta với thiên nhiên", từ đó kêu gọi tách biệt sự phát triển kinh tế khỏi suy thoái môi trường.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể phát triển, nhưng không phải bằng cái giá mà hành tinh phải trả vì chúng ta biết rằng hành tinh đang gặp khủng hoảng là một xã hội đang gặp khủng hoảng và một nền kinh tế đang gặp khủng hoảng”.

Trong một báo cáo hồi đầu tháng, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết lượng khí thải toàn cầu từ việc đốt than, dầu và khí đốt có thể giảm tới 8% trong năm 2020 do các biện pháp chưa từng có để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên họ cũng khẳng định rằng, nếu không có sự thay đổi mang tính hệ thống về cách thế giới tiêu thụ năng lượng và tự cung cấp năng lượng, thì lượng khí thải giảm được trong năm nay về cơ bản là vô nghĩa.

Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 chứng kiến ​​các quốc gia cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống "dưới" 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, thông qua việc cắt giảm khí thải sâu rộng, thậm chí đặt ra mục tiêu an toàn hơn là giới hạn ở mức 1,5 độ C. Theo LHQ, để có thể đạt được mục tiêu này, lượng khí thải toàn cầu phải giảm 7,6% mỗi năm trong thập kỷ này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng

Năm 2024 chứng kiến bước thụt lùi của các mục tiêu tiếp cận năng lượng. Báo cáo Theo dõi SDG7 (Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 7 về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý) cho thấy, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, khả năng tiếp cận điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.

2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng
Return to top