Thế giới

Macedonia- điểm nóng mới trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu

ClockThứ Hai, 24/08/2015 10:30
TTH.VN - Bất chấp hàng rào cảnh sát, hàng nghìn người nhập cư và tỵ nạn ngày 22/8 vẫn tìm cách vượt qua khu vực biên giới phía Nam để vào Macedonia.

Trước đó, để ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt đổ vào nước này, chính quyền Macedonia hồi giữa tuần đã phải ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, những biện pháp này dường như đều tỏ ra không hiệu quả.

Sau nhiều ngày mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Đức và Macedonia, hàng nghìn người nhập cư và tỵ nạn ngày 22/8 đã vượt qua được hàng rào cảnh sát  được bố trí dày đặc để vào Macedonia. Dù đã sử dụng lựu đạn lóa và hơi cay, song lực lượng cảnh sát vẫn không thể ngăn chặn được luồng người nhập cư này. 

macedonia- diem nong moi trong cuoc khung hoang nhap cu chau au hinh 0
Người nhập cư châu Âu tại Macedonia. Ảnh AFP

Từ giữa tuần, hơn 2.000 người đã đổ về khu vực biên giới phía Nam, nằm giữa ngôi làng Idomeni của Hy Lạp và thành phố Gevgelija của Macedonia, trong khi hàng trăm người khác đã vượt biên giới vào khu vực này từ cảng Thessalonique)của Hy Lạp.

Có thể nói, sau Hy Lạp, Italy, Pháp và Anh, Macedonia đang trở thành tâm điểm mới của cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu khi hàng ngày phải chứng kiến sự xâm nhập ồ ạt của những người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ nước này từ Hy Lạp.

Trong một động thái cho thấy cuộc khủng hoảng đã lên tới đỉnh điểm và vượt tầm kiểm soát, hồi giữa tuần, chính quyền Macedonia đã thông qua sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và ra lệnh đóng cửa biên giới với những người nhập cư, trong đó rất nhiều người  đến từ Syria, Afghanistan và Iraq thông qua Hy Lạp, với khoảng 2.000 người mỗi ngày.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Macedonia Ivo Kotevski nói: “Chính phủ Macedonia đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp  đối với các khu vực khủng hoảng ở biên giới phía Bắc và phía Nam. Vì thế, theo luật pháp, quân đội có thể triển khai trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Macedonia.

Chúng tôi hy vọng sự có mặt của quân đội sẽ giúp đảm bảo an toàn cho công dân của chúng tôi tại 2 khu vực này, cũng như tạo ra một cách tiếp cận toàn diện hơn với những người có mong muốn xin tỵ nạn tại Macedonia phù hợp với khả năng và các nghĩa vụ quốc tế mà chúng tôi đã ký và muốn tôn trọng một cách đầy đủ”.

Những ngày cuối tuần này, cảnh sát Macedonia đã làm việc hết khả năng để ngăn chặn làn sóng người nhập cư. Họ phải sử dụng lựu đạn lóa và hơi cay để kiềm chế những người nhập cư trước khi đồng ý cho phép những nhóm nhỏ, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, vào nước này.

Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều người nhập cư bị mắc kẹt ở khu vực biên giới  phải sống trong tình cảnh thiếu thốn, không chỗ trú ẩn, không nước  uống và lương thực.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn ngày 22/8 đã yêu cầu chính phủ Macedonia mở cửa biên giới. Theo tổ chức này, hiện có khoảng 3.000 người nhập cư và tỵ nạn ở khu vực này và con số còn tiếp tục tăng, dự báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là khả năng tiếp nhận của những nước như Macedonia hay Hy Lạp. Bởi  mở cửa cho những người nhập cư cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chấp nhận những gánh nặng về kinh tế, những rủi ro về xã hội, trong khi làn sóng người này chắc chắn sẽ chưa chấm dứt.

Chính phủ nước này cũng đã kêu gọi các nước láng giềng hỗ trợ về mặt hậu cần, song tới nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Hơn nữa, tất cả các biện pháp mà Liên minh châu Âu triển khai tới nay đều chỉ mang tính tạm thời, trong khi gốc rễ của vẫn đề vẫn chưa thể được giải quyết.

Dự kiến, giữa tháng 10 tới, Bộ trưởng Nội vụ và Ngoại giao 28 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại thủ đô Paris, Pháp nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào tháng 11 ở Malta về hợp tác với các quốc gia châu Phi nhằm chống tình trạng nhập cư trái phép vào châu Âu ngay từ gốc rễ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh này, châu Âu mong muốn cùng các quốc gia châu Phi tăng cường nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vượt biển Địa Trung Hải và thúc đẩy các thỏa thuận đã ký với các nước châu Phi nhằm nhận trở lại công dân của mình.

Thu Hoài (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top