Thế giới

Gia tăng lạm phát lương thực trong khu vực châu Á đang phát triển

ClockThứ Bảy, 04/12/2021 12:33
TTH - Các hộ gia đình ở khu vực châu Á đang phát triển phải chi tiêu lên đến một nửa ngân sách cho lương thực; do đó, sự gia tăng của giá lương thực gây ra tác động tiêu cực một cách rộng rãi.

Châu Á: Nhiều doanh nghiệp chuyển sang bao bì có thể ăn được

Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Campuchia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, giá lương thực đã liên tục tăng, do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển leo thang, và thời tiết không thuận lợi. Đại dịch dẫn đến giá lương thực tăng cao hơn, trong khi thu nhập bị sụt giảm, khiến mục tiêu xóa bỏ nạn đói thậm chí còn trở nên thách thức hơn.

Trong giai đoạn 2019-2020, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính, dân số suy dinh dưỡng ở châu Á đã tăng từ mức 361,3 triệu người lên 418 triệu người, điều này làm mở rộng tỷ lệ suy dinh dưỡng từ 7,9% lên 9%.

Chi phí sinh hoạt leo thang

Tại nhiều nền kinh tế trong khu vực, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng lương thực nội địa và chi phí vận chuyển tăng, do các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, khấu hao tiền tệ, cũng như các hạn chế xuất khẩu được áp dụng bởi một số nhà xuất khẩu ngũ cốc đã đẩy giá lương thực nội địa tăng lên.

Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết thảm khốc và nhiều loại dịch hại khác nhau cũng đang góp phần làm tăng giá trái cây, rau củ, các sản phẩm từ sữa, và những mặt hàng thực phẩm cơ bản khác. Sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm ở động vật (chẳng hạn như bệnh dịch tả lợn châu Phi) cũng ảnh hưởng đến sản lượng lương thực, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm.

Trong giai đoạn 2019-2020, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến những thay đổi về lạm phát lương thực. Trong đó, gần như tất cả các nền kinh tế có sẵn dữ liệu đều cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhóm lương thực tăng trưởng dương. Lạm phát lương thực tăng ở 29 trong số 41 nền kinh tế được báo cáo, trong đó có 17 nền kinh tế công bố lạm phát lương thực từ 5% trở lên.

Mức tăng cao nhất về lạm phát giá lương thực chủ yếu được ghi nhận ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn, chẳng hạn như Pakistan (11,3 điểm phần trăm), Sri Lanka (10,6 điểm phần trăm)... Trong khi đó, xu hướng lạm phát giá phi lương thực trong năm 2020 dao động từ mức thấp -10,3% đến mức cao 18,6%, tùy theo nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng, giờ làm việc giảm

Giữa đại dịch, bên cạnh giá lương thực cao hơn, các hộ gia đình cũng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và mất giờ làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp mở rộng ở 21 trong số 23 nền kinh tế thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với dữ liệu có sẵn trong giai đoạn 2019-2020. Trong số này, 16 nền kinh tế ghi nhận ​​tỷ lệ thất nghiệp tăng ít nhất 10%, trong khi hơn 1/3 số nền kinh tế báo cáo ​​mức tăng 20%, hoặc thậm chí cao hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất được ghi nhận ở Philippines (5,2 điểm phần trăm); Azerbaijan (2,4 điểm phần trăm); Bhutan (2,3 điểm phần trăm)... Về số giờ làm việc, tính chung toàn khu vực mất đi khoảng 8% vào năm 2020.

Trong số các tiểu vùng, Nam Á ghi nhận mức mất giờ làm việc cao nhất với 13,6%. Tiếp theo là Trung và Tây Á với 9,2%, và Đông Nam Á ở mức 8,4%. Thái Bình Dương ghi nhận sự thay đổi nhỏ nhất về số giờ làm việc bị mất đi, chỉ 2,4%. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và số giờ làm việc bị mất đi nhiều hơn đã dẫn đến thu nhập sụt giảm ở các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Qua đó, ADB cho rằng, giá lương thực cao hơn và thu nhập giảm đi tác động đến khả năng tiếp cận lương thực lành mạnh và bổ dưỡng của các hộ gia đình, từ đó ảnh hưởng đến tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, các cơ quan của LHQ (gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)) cho biết thêm, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các dự báo về tỷ lệ suy dinh dưỡng cho thấy đa số các tiểu vùng ở châu Á - Thái Bình Dương đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030, mặc dù tốc độ tiến bộ có thể chậm hơn so với những gì đã được chứng kiến trong những thập kỷ trước đó, do tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.

Theo FAO, các nền kinh tế ở khu vực Đông Á và Trung Á có khả năng loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030; song, một số nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á sẽ cần phải tăng cường hơn nữa nỗ lực để đạt được các mục tiêu năm 2030.

Nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế Chua Hak Bin thuộc Công ty Maybank Kim Eng lưu ý, giá lương thực cao hơn có thể cản trở sự phục hồi của châu Á sau đại dịch. “Giá lương thực tăng sẽ làm trầm trọng thêm sự phục hồi kinh tế vốn đã không đồng đều. Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, và những quốc gia nghèo hơn sẽ phải gánh chịu nhiều hơn, khi họ chi tiêu một tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập cho lương thực... Các quốc gia này cũng bị cản trở bởi nguồn lực tài chính hạn chế, một yếu tố có thể giúp làm dịu đi tác động tiêu cực của giá lương thực cao hơn”, ông Chua Hak Bin nói thêm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ adb.org, Nikkei Asia & ilostat.ilo.org)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á
Châu Á năm 2024: Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn

Hãng tin CNBC dẫn nhận xét từ Giám đốc điều hành Công ty tư vấn RiverPeak Group Curtin S. Chin và nhà phân tích khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Jose B. Collazo cho biết, giống như năm 2023, năm 2024 dường như không mang lại nhiều điều đáng mừng cho người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn và căng thẳng địa chính trị dai dẳng, vẫn còn đó những hi vọng và niềm vui.

Châu Á năm 2024 Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn
Return to top