Thế giới

EU xem xét siết chặt quy định xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19

ClockThứ Tư, 24/03/2021 16:07
Việc sửa đổi này sẽ cho phép EC có thêm quyền hạn để ngăn chặn việc xuất khẩu tới những nước có chiến dịch tiêm chủng tốt hơn và những nước sản xuất vaccine song không xuất khẩu sang EU.

Nhiều quốc gia EU ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”EU hoàn tất thỏa thuận đặt mua thêm 300 triệu liều vaccine COVID-19 từ Pfizer và BioNTechEU vẫn đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành vào cuối hè nàyLiên minh châu Âu EU được bảo đảm 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bremen, Tây Bắc Đức, ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) sẽ siết chặt việc kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh khối này đang gặp nhiều vấn đề trong kế hoạch triển khai tiêm chủng.

Phát biểu trước báo giới, một người phát ngôn của EU cho biết trong ngày 24/3, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thông qua việc sửa đổi cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu. Vấn đề này dự kiến cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU trong 2 ngày 25 và 26/3.

Các quan chức cho biết việc sửa đổi này không dẫn đến một lệnh cấm xuất khẩu chung, song sẽ ủng hộ điều mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi là nguyên tắc "có đi có lại."

Việc sửa đổi này sẽ cho phép EC có thêm quyền hạn để ngăn chặn việc xuất khẩu tới những nước có chiến dịch tiêm chủng tốt hơn và những nước sản xuất vaccine song không xuất khẩu sang EU.

Trong khi đó, hãng tin AFP (Pháp) đã tiết lộ một dự thảo cập nhật các quy tắc xuất khẩu, trong đó cáo buộc các nước ngăn chặn việc xuất khẩu vaccine sang EU thông qua luật pháp, hợp đồng hay các thỏa thuận khác đã được ký kết với các nhà sản xuất vaccine.

Tài liệu này cũng cảnh báo một số quốc gia khác đang được miễn trừ kiểm soát xuất khẩu hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn các thành viên trong EU hay có tình hình dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn. Do đó, việc xuất khẩu sang các quốc gia này có thể đe dọa vấn đề an ninh cung ứng vaccine ngừa COVID-19 trong EU.

Dự thảo tạm đình chỉ toàn bộ danh sách các quốc gia không thuộc EU trước đó được miễn trừ cơ chế kiểm soát xuất khẩu ngoài một ít các nước nhỏ và các vùng lãnh thổ như San Marino, Andorra và Faroes.

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều, cho tổng dân số của EU là 450 triệu người.

Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng hỗn loạn do việc thiếu hụt nguồn cung vaccine, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược AstraZeneca.

Trong khi đó, dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp và tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Trong khi EU gặp nhiều vấn đề trong kế hoạch triển khai tiêm chủng thì Anh, nước đã rời khỏi EU, lại đạt thành công lớn với gần 50% số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Điều này đã làm gia tăng căng thẳng giữa EU và Anh, khi Anh đã nhập khẩu hàng triệu liều vaccine từ các nhà máy đặt tại các nước trong EU. Bà von der Leyen giải thích rằng điều này nhằm bảo vệ lượng vaccine khan hiếm cho chính công dân của khối, đồng thời bày tỏ mong muốn Anh cũng cung cấp vaccine.

Bà cũng cảnh báo sẽ cấm hãng dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 nếu các nước thành viên EU không được ưu tiên nhận vaccine đầu tiên. Theo Chủ tịch EC, công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển nói trên mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vaccine AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý 1.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD
Return to top