|
Đầu tư và sự quan tâm đối với AI ở Đông Nam Á ngày càng tăng, mang đến nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. Ảnh minh họa: iStock. |
Một báo cáo khác của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cũng cho biết, từ tháng 1/2023 đến nay, các công ty công nghệ lớn (Microsoft, Google và Amazon) đã rót hơn 50 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực AI trong khu vực.
Dòng đầu tư đổ vào phản ánh sự công nhận ngày càng tăng đối với Đông Nam Á như một trung tâm đang phát triển mạnh mẽ về đổi mới AI - một sự thay đổi có thể thúc đẩy nền kinh tế của khu vực này phát triển. Theo dự báo, AI có thể đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực tăng từ 10% - 18%, và giúp GDP khu vực tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Nhận thức được tầm quan trọng của AI, một số chính phủ Đông Nam Á đã xây dựng các chiến lược quốc gia, chẳng hạn như Chiến lược quốc gia về AI của Indonesia và NAIS 2.0 của Singapore, để tích hợp công nghệ này vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã đưa ra các sáng kiến như bản hướng dẫn của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI, và thành lập Nhóm công tác ASEAN về AI (WG-AI) để thúc đẩy các nỗ lực hợp tác và sử dụng AI có đạo đức trên khắp các quốc gia thành viên.
Ngoài các sáng kiến của chính phủ, khu vực tư nhân cũng đẩy mạnh việc áp dụng AI. Các công ty công nghệ lớn trong khu vực như Gojek, Grab và Lazada đang tích cực đưa AI vào hoạt động kinh doanh của mÌnh.
Mặc dù đầu tư và sự quan tâm đối với AI trong khu vực ngày càng tăng, mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể. Các báo cáo đều nêu bật tình trạng thiếu hụt nhân tài kỹ thuật số là một trong những thách thức chính, vì 61% thanh, thiếu niên ASEAN từ 10 - 24 tuổi không được học giáo dục kỹ thuật số chính thức ở trường. Điều này càng làm trầm trọng thêm sự phân chia kỹ thuật số và hạn chế khả năng cạnh tranh của khu vực trong việc thu hút đầu tư AI.
Ngoài ra, sự khác nhau về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng tạo ra rào cản đối với tăng trưởng xuyên biên giới và dẫn đến sự không nhất quán về quy định, đặc biệt là trong quản trị dữ liệu và an ninh mạng.
Và dù AI mang lại những lợi ích to lớn, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức có thể đe dọa đến các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của khu vực.
Do vậy, để thực sự tận dụng sức mạnh chuyển đổi của AI và tạo điều kiện để Đông Nam Á có thể giải phóng toàn bộ tiềm năng AI, cần phải có cách tiếp cận thống nhất và mang tính chiến lược. Theo ERIA, bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phù hợp, nuôi dưỡng tài năng địa phương và hài hòa các sáng kiến chính sách về AI thông qua các nỗ lực do ASEAN dẫn đầu, khu vực này có thể tạo ra một hệ sinh thái AI kiên cường, toàn diện và có nền tảng đạo đức. Với cách tiếp cận này, Đông Nam Á có thể củng cố vị thế của mình như một trung tâm phát triển kế tiếp trong lĩnh vực AI, thúc đẩy phát triển bền vững và giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân.