Thế giới

COP 21: Nhiều nước châu Phi cam kết phục hồi rừng tự nhiên

ClockChủ Nhật, 06/12/2015 15:41
TTH.VN - Trong phiên đàm phán diễn ra hôm nay (6/12) tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21), hơn 10 nước châu Phi cam kết sẽ phục hồi rừng tự nhiên ở lục địa này.


Khói bốc lên do nạn đốt rừng ở Epulu, Congo. Ảnh: AP

Trái đất đã mất đi hơn một nửa diện tích rừng tự nhiên trong quá trình phát triển của nhân loại. Việc đốt phá các khu rừng nhiệt đới trên thế giới đã góp phần gây nên tình trạng biến đổi khí hậu thông qua việc sản xuất lên đến 15% lượng khí thải carbon toàn cầu, theo Viện Tài nguyên Thế giới.

Sáng kiến ​​AFR100 là một nỗ lực của các quốc gia châu Phi nhằm khôi phục 100 triệu ha rừng tính đến năm 2030, tổ chức nói trên cho biết.

Trong bối cảnh thế giới đang dốc sức để đạt được một thỏa thuận khí hậu tại Paris, các quốc gia châu Phi cho thấy một cam kết đầy tham vọng nhằm khôi phục những khu rừng tự nhiên”, ông Andrew Steer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Tài nguyên Thế giới nhận định.

Phát biểu trong một tuyên bố cùng ngày 6/12, Wanjira Mathai, nhà hoạt động môi trường người Kenya, đồng thời là Chủ tịch của Phong trào Vành đai xanh mô tả dự án phục hồi rừng AFR100 là một nỗ lực “chưa từng có”.

“Việc phục hồi cảnh quan không những tạo điều kiện làm giàu cho cộng đồng nông thôn, mà còn cung cấp nhiều lợi ích cho những người dân sống trong thành phố. Mọi người đều có lợi”, bà Mathai nói thêm.

Trong các cuộc đàm phán khí hậu của Liên Hợp Quốc trước đó, Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Đức và các nước khác tuyên bố dành hơn 1 tỷ USD để tài trợ phát triển và 540 triệu USD tài trợ tư nhân cho dự án trồng rừng ở châu Phi.

Được biết, hơn 10 quốc gia châu Phi, bao gồm Ethiopia, Kenya, Uganda, Burundi và Rwanda cam kết tái tạo hàng triệu hecta rừng trong khuôn khổ dự án này. Bên cạnh đó, các quốc gia Tây Phi dọc theo sa mạc Sahara cũng bày tỏ mong muốn trồng thêm cây nhằm ngăn chặn hiện tượng sa mạc xâm lấn và phá hủy đất canh tác.

“Việc phục hồi rừng tự nhiên không chỉ là một chiến lược môi trường, mà còn là một chiến lược phát triển kinh tế và xã hội”, Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Malawi, ông Bright Msaka khẳng định.

 

Lê Thảo (lược dịch từ AP & Allafrica)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top