Thế giới

Chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể mang lại lợi ích tới 10.000 tỷ USD/năm

ClockThứ Năm, 01/02/2024 10:15
TTH.VN - Theo một báo cáo mới, cách sản xuất và tiêu thụ thực phẩm trên thế giới đang gây ra những tổn thất tiềm ẩn về tác động sức khỏe và thiệt hại về môi trường lên tới khoảng 12% GDP toàn cầu mỗi năm.

FAO hỗ trợ xây dựng đối tác xanh cho nền nông nghiệp mới Việt NamFAO: Các hệ thống nông sản thực phẩm toàn cầu là giải pháp khí hậu

Chuyển đổi hệ thống thực phẩm trên toàn thế giới có thể giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu và mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Ảnh minh họa: Tuoitre   

Trong nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học và nhà kinh tế phát hiện ra rằng việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm trên toàn thế giới có thể ngăn ngừa 174 triệu ca tử vong sớm, giúp thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu và mang lại lợi ích kinh tế từ 5.000 tỷ USD - 10.000 tỷ USD/năm.

Mặc dù sản xuất lương thực thâm canh đã giúp nuôi sống dân số toàn cầu - vốn đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1970, báo cáo cho thấy điều này đi kèm với gánh nặng ngày càng tăng đối với con người và hành tinh.

Chế độ ăn uống kém dẫn đến béo phì hoặc suy dinh dưỡng và các bệnh mãn tính liên quan, trong khi các hoạt động canh tác gây ô nhiễm dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học, gây lo ngại rằng các tác động khí hậu thảm khốc có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất lương thực của thế giới.

Theo bà Vera Songwe, nhà kinh tế của Ủy ban Kinh tế Hệ thống Thực phẩm (FSEC), “chúng ta có một hệ thống thực phẩm tuyệt vời nhưng nó đã gây ra nhiều tổn thất cho môi trường, sức khỏe con người, tương lai và nền kinh tế của chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu ước tính tổng chi phí không được đánh giá đúng mức từ hệ thống thực phẩm lên tới 15.000 tỷ USD/năm, bao gồm khoảng 11.000 tỷ USD mỗi năm do mất năng suất vì các bệnh liên quan đến thực phẩm như tiểu đường, cao huyết áp và ung thư. Chi phí môi trường ước tính khoảng 3.000 tỷ USD, xuất phát từ các phương pháp sản xuất lương thực và sử dụng đất nông nghiệp hiện nay – vốn được cho là chiếm 1/3 lượng phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh.

Tổn thất cao

Dựa trên các mô hình so sánh, các tác giả của báo cáo cũng ước tính về hậu quả đến năm 2050 của việc tiếp tục xu hướng hiện tại và sự chuyển đổi hệ thống thực phẩm giả định.

Theo đó, với lộ trình hiện tại, chỉ riêng hệ thống thực phẩm sẽ đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt quá ngưỡng tăng hơn 1,5 độ C của thỏa thuận Paris so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ có thể tăng thêm đến 2,7 độ C vào năm 2100, trong khi sản xuất lương thực sẽ ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Với bối cảnh đó, béo phì cũng sẽ tăng 70% trên toàn cầu, trong khi khoảng 640 triệu người vẫn sẽ bị thiếu cân.

Với giả định về một hệ thống thực phẩm tốt hơn, các tác giả của báo cáo cho biết các chính sách hiệu quả hơn có thể cải thiện chế độ ăn uống, giảm đáng kể số ca tử vong liên quan đến chế độ ăn uống do các bệnh mãn tính, đồng thời biến hệ thống thực phẩm thành nguồn lưu trữ carbon vào năm 2040, giúp thế giới duy trì các mục tiêu về khí hậu.

Tuy nhiên, báo cáo được đưa ra khi nông dân trên khắp các vùng của châu Âu đang đối mặt với những khó khăn về thu nhập và các quy định nghiêm ngặt về môi trường, cho thấy việc thay đổi sẽ là một thách thức không nhỏ.

Từ đó, các tác giả kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bù đắp cho những người bị bỏ lại do chuyển sang một hệ thống bền vững hơn, đồng thời lưu ý rằng việc thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh hơn sẽ có những ưu tiên và trọng tâm khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Báo cáo này được đưa ra sau khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố nghiên cứu vào tháng 11 năm ngoái với ước tính rằng chi phí tiềm ẩn của hệ thống thực phẩm trên toàn thế giới là khoảng 10.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương gần 10% GDP.

Giáo sư Johan Rockstrom, thuộc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam và FSEC, cho biết việc cả hai nhóm tác giả đều đưa ra một “con số rất ấn tượng” - vượt quá 10.000 tỷ USD, là lý do để tin tưởng vào phát hiện này.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitstimes)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á năm 2024: Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn

Hãng tin CNBC dẫn nhận xét từ Giám đốc điều hành Công ty tư vấn RiverPeak Group Curtin S. Chin và nhà phân tích khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Jose B. Collazo cho biết, giống như năm 2023, năm 2024 dường như không mang lại nhiều điều đáng mừng cho người dân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn và căng thẳng địa chính trị dai dẳng, vẫn còn đó những hi vọng và niềm vui.

Châu Á năm 2024 Điểm lại một số niềm vui và nỗi buồn
GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Return to top