Thế giới

Chìa khóa để giới trẻ Đông Nam Á bước vào nền kinh tế kỹ thuật số

ClockThứ Bảy, 23/07/2022 12:13
TTH - Đại dịch đã xóa sổ hàng triệu việc làm ở Đông Nam Á. Nhưng nền kinh tế kỹ thuật số đang mang lại hy vọng mới, đặc biệt cho những người trẻ - nếu họ được trang bị các kỹ năng cần thiết.

Số lượng trẻ em ở Đông Nam Á mắc béo phì ngày càng tăngNgười dùng Đông Nam Á có xu hướng bỏ FacebookTập trung vào tính bền vững và nền kinh tế kỹ thuật sốASEAN tổ chức hội thảo về cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Lực lượng lao động trẻ ở Đông Nam Á cần trang bị các kỹ năng cần thiết để nắm bắt các cơ hội việc làm trong nền kinh tế kỹ thuật số. Ảnh minh họa: Getty Image

Chiếm 34% tổng dân số, giới trẻ được xem là tương lai của Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhóm này đã phải đối mặt với tình trạng “dễ bị tổn thương chưa từng có” về việc làm do đại dịch toàn cầu COVID-19, bị đe dọa bởi các cú sốc kép mất việc làm, gián đoạn giáo dục và đào tạo, cũng như những trở ngại lớn trong việc tham gia thị trường lao động hoặc chuyển đổi giữa các công việc.

Thực tế, những người trẻ phải thích ứng với một nền kinh tế khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đại dịch, cuộc sống con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các công cụ kỹ thuật số, và nền kinh tế cũng ngày càng trở nên kỹ thuật số hơn. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á (ngoại trừ Lào và Myanmar) đều có tỷ lệ sử dụng internet cao hơn 70%. Riêng trong đại dịch COVID-19, việc sử dụng internet đã tăng từ 50% lên 70% trên toàn cầu. Do tác động từ những hiện tượng như vậy, số lượng các công việc mới đòi hỏi sự thành thạo về các kỹ năng nâng cao và kỹ thuật số ngày càng tăng, trong khi nguồn cung lực lượng lao động trẻ có thể đáp ứng nhu cầu đó lại đang thiếu hụt.

Nhiều cơ hội việc làm mới

Tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số chỉ đang đạt khoảng 7% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN, so với 16% ở Trung Quốc, 27% ở EU-5 (Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh) và 35% ở Mỹ. Tuy nhiên, một báo cáo của AT Kearney dự đoán, ASEAN có tiềm năng lọt vào nhóm 5 nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới vào năm 2025.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company (2021) về “nền kinh tế điện tử” của Đông Nam Á cũng nhấn mạnh khu vực này đang trên đà trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với 5 lĩnh vực hàng đầu (thương mại điện tử; tài chính dịch vụ; du lịch trực tuyến; phương tiện truyền thông trực tuyến; vận tải và thực phẩm), cùng 2 lĩnh vực non trẻ đang phát triển nhanh chóng là healthtech (công nghệ sức khỏe) và edtech (công nghệ giáo dục).

Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực này, khoảng 100.000 việc làm mới đã được tạo ra cho các chuyên gia lành nghề và 4 triệu “đối tác” hoặc công nhân theo lịch trình linh hoạt - những người cung cấp các dịch vụ hàng ngày như giao hàng, hậu cần thương mại điện tử và vận chuyển.

Khi các công ty như Expedia, Go-Jek, Grab, Meta, Netflix, Lazada và Sea Group tiếp tục các hoạt động kinh doanh cốt lõi, dự đoán đội ngũ lao động của các doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm - nhanh hơn mức tăng trưởng việc làm chung là 1% - 3% ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, tỷ lệ tạo việc làm cho lao động linh hoạt được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025.

Số lượng công việc mới đòi hỏi thành thạo các kỹ năng kỹ thuật số đã tăng lên trong bối cảnh nguồn cung lực lượng lao động trẻ có thể đáp ứng nhu cầu này đang thiếu hụt mạnh.

Các đợt bùng phát COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn kinh tế lớn giữa giới chủ và công nhân trong khu vực. Kinh tế khu vực thu hẹp với tỷ lệ –3,3% vào năm 2020, giảm từ 4,4% vào năm 2019. Sự suy giảm kinh tế không chỉ dẫn đến mất việc làm ở thanh niên mà còn gây gián đoạn quá trình chuyển tiếp từ trường học sang nơi làm việc cho hơn 15 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học và phổ thông từ 10 nước thành viên ASEAN. Theo báo cáo của ILO, trong năm 2020, số giờ làm việc ở ASEAN giảm đáng kể 8,4%, tương đương với 24 triệu lao động toàn thời gian.

“Lỗ hổng” kỹ năng

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do sự không phù hợp giữa các kỹ năng mà lực lượng lao động trẻ hiện có và các bộ kỹ năng cần thiết trong tương lai. Một báo cáo của LinkedIn (2021) nhấn mạnh, khoảng 2/3 số vị trí việc làm đang tăng lên từ 15 lĩnh vực công việc đòi hỏi phải thành thạo các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản, chẳng hạn như khả năng thực hiện các kỹ năng tiếp thị kỹ thuật số, sử dụng phần mềm văn phòng, quản lý điện toán đám mây và thiết lập các công cụ truyền thông kỹ thuật số và internet…

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của google.org cho thấy trong số 1.080 thanh niên được khảo sát trong khu vực, 47,8% bị thiếu các kỹ năng vận hành các phần mềm công việc cơ bản, 72,2% không có hoặc chỉ có các kỹ năng kỹ thuật số nâng cao ở mức thấp.

Cần hỗ trợ của Chính phủ

Với gần 70% thanh niên được đào tạo từ các nhà cung cấp tư nhân với mức phí cao hơn so với mức đào tạo do chính phủ tài trợ, các chính phủ ASEAN cần khám phá các khả năng thâm nhập thị trường để bảo vệ và đảm bảo khả năng tiếp cận toàn diện cho những thanh niên bị ảnh hưởng trong đại dịch. Điều này sẽ giúp gia tăng lực lượng lao động trẻ sẵn sàng tham gia vào thị trường việc làm dựa trên nền kinh tế kỹ thuật số, một khi nền kinh tế khu vực phục hồi trở lại thời kỳ đỉnh cao.

Do đó, cùng với ưu tiên thúc đẩy tiếp cận kỹ năng kỹ thuật số của thanh niên trong khu vực, các chính phủ ASEAN cũng nên tăng cường các chương trình bảo trợ xã hội bằng cách nhắm đến những người trẻ tuổi và đảm bảo họ có thể học các kỹ năng mới, trong khi vẫn cân bằng và đáp ứng các nhu cầu hàng ngày khác.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ ADB)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net Zero

Tại diễn đàn "Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương" vừa được ngành khoa học công nghệ (KHCN) và các đơn vị liên quan tổ chức, từ khóa "mục tiêu Net Zero" được nhắc đến khá nhiều. Trọng tâm để đạt mục tiêu này chính là việc hấp thụ, ứng dụng công nghệ mới, mà ngay cả cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận.

Ứng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net Zero
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Máy Phiên Dịch Atalk - Chìa Khóa Mở Ra Kỷ Nguyên Giao Tiếp Đa Ngôn Ngữ

Trong một bước tiến mới của công nghệ, máy phiên dịch Atalk ra đời với khả năng dịch thuật tức thời và chính xác hơn 100 ngôn ngữ, đang tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng. Atalk không chỉ mở ra cơ hội giao lưu và hợp tác quốc tế mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Máy Phiên Dịch Atalk - Chìa Khóa Mở Ra Kỷ Nguyên Giao Tiếp Đa Ngôn Ngữ
Return to top