ClockThứ Năm, 14/04/2016 06:21

IMF quý thứ 3 liên tiếp hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu

TTH - Tăng trưởng chậm trong thời gian dài đang đẩy nền kinh tế thế giới vào hiểm họa đối mặt với những cú sốc tiêu cực và làm tăng nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, sau khi cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu quý thứ 3 liên tiếp xuống còn 3,2% cho năm 2016, trang Bloomberg ngày 13/4 đưa tin.

Sự tăng trưởng không ổn định của Trung Quốc ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Ảnh: Reuters

Đà phục hồi chậm

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (World economic outlook) mới nhất được công bố ngày 12/4, IMF dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm 0,2% so với mức dự báo 3,4% đưa ra hồi tháng 1/2016 và thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với nhận định hồi tháng 10/2015 (3,6%). Định chế tài chính này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 thêm 0,1%, xuống còn 3,5% từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 1 năm nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/4, chuyên gia kinh tế Maurice Obstfeld - Trưởng bộ phận nghiên cứu của IMF nói rằng, “tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra, nhưng với tốc độ ngày càng đáng thất vọng, khiến nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro đáng lo ngại. Tăng trưởng đã diễn ra với tốc độ quá chậm trong khoảng thời gian quá dài”, theo tin từ Businesstimes.

Trước đó, Giám đốc IMF - bà Christine Lagarde cũng tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng toàn cầu khi nhận xét, “quá trình này còn quá chậm, quá mong manh và khó có thể duy trì trong dài hạn, mặc dù nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi và không có khủng hoảng”.

Ngày 12/4, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản thêm 0,5% trong năm 2016 và cho biết nền kinh tế Brazil hiện tại sẽ giảm 3,8% trong năm nay so với dự báo trước đó, do các vấn đề trong nước tác động tiêu cực lên lòng tin của các nhà đầu tư.

Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone và nước Anh cũng bị IMF cắt giảm 0,2 điểm phần trăm mỗi nền kinh tế. Theo đó, kinh tế Eurozone dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, còn kinh tế Anh đạt 1,9%.

Trong khi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ - một trong những điểm sáng tương đối trong bức tranh toàn cầu, dự đoán cũng chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thay vì tăng 2,6% như nhận định được đưa ra trong quý trước. Theo IMF, sự cải thiện nhu cầu của thị trường trong nước sẽ giúp Mỹ bù đắp được áp lực suy giảm tăng trưởng do đồng USD mạnh và sự suy yếu trong đầu tư năng lượng do giá dầu thấp.

Trước đó, hôm 11/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2016 và năm 2017 của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, cho rằng triển vọng phát triển ở khu vực này đang bị che khuất bởi nhiều rủi ro, bắt nguồn từ những yếu tố như sự tăng trưởng không ổn định của Trung Quốc, những biến động trên thị trường tài chính hay sự sụt giảm giá cả hàng hóa...

Yếu tố tác động

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng hồi phục chậm kéo dài của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, trong đó, sự bất ổn do bạo lực ở Syria và nhiều nơi khác khiến hàng triệu người phải di tản, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng ở châu Âu được cho là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất. Tờ Businesstimes ngày 13/4 dẫn lời nhà kinh tế trưởng Obstfeld cho rằng, “tình trạng bất ổn và bạo lực tiếp diễn ở một số quốc gia, chủ yếu là Syria, tiếp tục thách thức nền kinh tế của các nước này, đẩy hàng triệu người tị nạn đổ sang các nước láng giềng và tới châu Âu, được coi là một thảm họa nhân đạo và đồng thời, cũng là thách thức lớn cho các nước EU trước những tác động kinh tế mà cuộc khủng hoảng gây ra”.

Bên cạnh đó, những lo ngại về việc nước Anh sẽ rời khỏi EU cũng khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này và của chính nước Anh. IMF cho rằng, một quyết định rời bỏ khối của Anh sẽ đặt ra “thách thức lớn”, có thể “gây tổn thương nghiêm trọng trong khu vực và toàn cầu bằng cách phá vỡ các mối quan hệ kinh doanh đã được  thiết lập từ bấy lâu nay”. Khi đó, các mối quan hệ thương mại và đầu tư ở châu Âu sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài ra, cả nước Mỹ và châu Âu đều đang đối mặt với làn sóng phản đối trong nước về các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Xu hướng này đe dọa làm ngừng trệ hoặc đảo ngược tiến trình 70 năm thương mại ngày càng cởi mở trên thế giới, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Obstfeld cảnh báo.

Nhận định chung về những yếu tố tác động đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, kinh tế trưởng của Ngân hàng First National (FNB) Sizwe Nxedlana cho rằng, sự sụt giảm giá cả hàng hóa quốc tế, những bất ổn chính trị trong nước hoặc sức ép địa chính trị, niềm tin kinh doanh thấp, tình trạng hạn hán nghiêm trọng liên quan đến hiện tượng El Nino hoặc lụt lội, giá lương thực tăng cao và sự gia tăng của lãi suất... chính là những yếu tố tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở các nước.

“Không còn chỗ cho sai sót”

Trong bài phát biểu, nhà kinh tế trưởng của IMF Obstfeld cảnh báo rằng, “sự tăng trưởng chậm kéo dài sẽ có thể gây ra những “vết sẹo” nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới, làm giảm sản lượng tiềm năng và kéo theo sự suy giảm trong nhu cầu và đầu tư”, do đó, “tăng trưởng thấp có nghĩa không còn chỗ cho sai sót”. Bloomberg cho biết, trong cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới diễn ra ở Washington tuần này, IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu tham dự cuộc họp cần có những hành động phối hợp để thúc đẩy nhu cầu, đẩy mạnh cải cách các cơ cấu kinh tế, các chính sách tiền tệ và tiến hành các biện pháp kích thích tài chính nếu có thể.

Đồng thời, IMF cũng thúc giục các nền kinh tế cải cách thị trường lao động và các sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, tạo môi trường chính trị thuận lợi cho tăng trưởng.

“Bằng cách nhận ra rõ những rủi ro để cùng nhau đối mặt và chuẩn bị, các nhà hoạch định chính sách có thể củng cố niềm tin, hỗ trợ tăng trưởng, và bảo vệ hiệu quả hơn cho nền kinh tế trước nguy cơ phục hồi chậm”, ông Obstfeld nói.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Bloomberg, Businesstimes & Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xu hướng lạm phát toàn cầu năm 2025

Theo dự đoán của các chuyên gia phân tích, lạm phát trung bình toàn cầu năm 2025 sẽ thấp hơn tỷ lệ lạm phát năm 2024, mặc dù tốc độ sụt giảm sẽ chậm hơn so với năm 2024 và năm 2023. Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) cho rằng, giá thực phẩm và năng lượng thấp hơn sẽ kìm hãm giá cả trong năm 2025, mặc dù nhiều hạn chế thương mại toàn cầu có thể sẽ thúc đẩy lạm phát.

Xu hướng lạm phát toàn cầu năm 2025
CÔNG NGHỆ SẠCH TẠI CHÂU Á:
Làn sóng của tương lai

Khi cuộc đua toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đang diễn ra, thì đầu tư vào công nghệ sạch thiết yếu để hỗ trợ xu hướng đó cũng phát triển theo.

Làn sóng của tương lai
Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng

Kể từ ngày 7/1, khi các vụ cháy rừng nghiêm trọng hoành hành khắp khu vực Los Angeles (Mỹ), hơn 100.000 người đã phải tuân theo lệnh sơ tán bắt buộc. Ước tính ban đầu cho thấy, tổn thất được hưởng bảo hiểm có thể lên tới 20 tỷ USD và tổng thiệt hại kinh tế có khả năng sẽ chạm mốc 57 tỷ USD.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để giải quyết nguy cơ cháy rừng gia tăng

TIN MỚI

Return to top