ClockThứ Năm, 10/03/2016 06:46

Châu Âu chưa hết đau đầu vì người tị nạn

TTH - Hiện có khoảng 13.000 người tị nạn đang bị mắc kẹt ở miền bắc Hy Lạp, sau khi Macedonia giới hạn nghiêm ngặt số lượng người tị nạn được phép đi qua nước này. Trong số đó, nhiều trẻ em phải qua đêm dưới những cơn mưa xối xả ở Hy Lạp để chờ vượt biên sang Macedonia, với hy vọng đến châu Âu.

Người tị nạn ngâm mình dưới mưa ở biên giới Hy Lạp - Macedonian với hy vọng đến được châu Âu. Ảnh: AFP

Cần “thức tỉnh”

Một quan chức của Liên Hợp quốc vừa đưa ra lời cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng tại các trại tị nạn ở biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia; đồng thời nhấn mạnh rằng, châu Âu cần phải “thức tỉnh” về vấn đề này.

“Các quốc gia châu Âu cần nhận thức rõ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo của người tị nạn ở Hy Lạp, họ rất cần sự giúp đỡ. Những người tị nạn đang trải qua hết đêm này đến đêm khác với hy vọng có thể đi qua biên giới hoặc ít nhất là nhận được sự giúp đỡ. Họ cần một câu trả lời, một câu trả lời nhanh chóng”, phát ngôn viên của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Babar Baloch cho biết trong một tuyên bố hôm 7/3.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II, với 91% số người chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông, nhất là từ Syria, đất nước đang xảy ra giao tranh giữa những nhóm chiến binh khác nhau. Hầu hết những người tị nạn này chọn tuyến đường đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đường biên giới với Syria.

Theo ông Adrian Edwards, phát ngôn viên của văn phòng UNHCR tại Geneva, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Hy Lạp. “Chính phủ các nước không chịu hợp tác, dù trước đó họ đã đạt được thoả thuận trong một số lĩnh vực. Hết nước này đến nước khác áp đặt những hạn chế mới trên biên giới, những chính sách không phù hợp gây ra sự đau khổ không cần thiết cho người tị nạn”, ông Adrian Edwards khẳng định.

Giám đốc khu vực châu Âu của UNHCR Vincent Cochetel cũng lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực thực hiện những thỏa thuận cụ thể nhằm chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng. “Hy Lạp cần một giải pháp an toàn. Đã đến lúc châu Âu cần thức tỉnh, chúng ta sẽ có một cuộc di dời lớn có trật tự từ Hy Lạp, hoặc là lặp lại sự hỗn loạn và rối rắm mà chúng ta đã chứng kiến trong năm qua”, ông Vincent Cochetel nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác tại Áo, 2 nhà lập pháp từ đảng Team Stronach của nước này vừa tiến hành phát miễn phí hàng trăm bình xịt hơi cay cho người dân ở ngay trước tòa nhà quốc hội.

Trả lời phỏng vấn trước các phương tiện truyền thông, ông Lugar nói: “Người Áo đang cảm thấy ngày càng thiếu an toàn khi dòng người tị nạn liên tục tràn vào nước này. Chúng tôi cần gửi lại tất cả những người tị nạn đã nhập cảnh vào Áo, có đến 300.000 người đang ở đây”.

Theo số liệu thống kê tại Áo, doanh số bán hàng của các loại vũ khí tự vệ tăng vọt đến 350%, sau khi người tị nạn bị cáo buộc có liên quan đến các cuộc tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ xảy ra tại Cologne (Đức) trong đêm giao thừa năm ngoái. Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) báo cáo, người tị nạn phạm tội ở mức độ tương tự người bản xứ Đức.

Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ bị trì hoãn

Mới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn cho đến tuần tới việc đưa ra quyết định về một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn ngày càng tồi tệ.

Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu yêu cầu EU viện trợ thêm 3 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD), đẩy nhanh chương trình miễn thị thực cho 75 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiến trình đàm phán gia nhập EU của nước này. Đề nghị của ông Ahmet Davutoglu được đưa ra nhằm đổi lấy việc Ankara chia sẻ trách nhiệm trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn của châu Âu.

Tuy nhiên, báo Turkishweekly ngày 8/3 dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, việc tự do hóa thị thực chỉ có thể được thực hiện nếu Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng đầy đủ 72 tiêu chí được đưa ra. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán về việc gia nhập khối 28 quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ “vẫn phải tiếp tục trải qua một chặng đường dài”.

Nhiều người quy trách nhiệm cho các cường quốc châu Âu trong việc để xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có, họ nói rằng chính sách các nước này gây ra sự đột biến của vấn nạn khủng bố và chiến tranh, buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của chính họ.

 LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ PressTV, Turkishweekly & RT)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2/3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất

Theo báo cáo mới của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chỉ 1/3 các vùng mặt nước của châu Âu có chất lượng tốt, trong khi nhiều sông, hồ và vùng nước ven biển của khu vực này “bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hóa chất”. Ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than và thuốc trừ sâu từ nông nghiệp được xem là hai trong số những “thủ phạm chính”.

2 3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất
Châu Âu cần nâng cao vai trò trong quan hệ EU - ASEAN

Cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh mới nhất của Liên minh châu Âu - ASEAN chỉ ra rằng 59% doanh nghiệp châu Âu cảm thấy EU không đóng góp vào việc hỗ trợ lợi ích của họ ở Đông Nam Á, đánh dấu mức độ không hài lòng cao nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện vào năm 2015.

Châu Âu cần nâng cao vai trò trong quan hệ EU - ASEAN
Châu Âu lo ngại về sự suy thoái

Châu Âu đang ngày càng gần với suy thoái khi các nền kinh tế lớn nhất gồm Đức và Pháp đang phải vật lộn với những khó khăn cả về chính trị và kinh tế trong nước.

Châu Âu lo ngại về sự suy thoái

TIN MỚI

Return to top