Diện mạo mới ở khu đô thị Royal Park Huế. Ảnh: Đăng Tuyên
Rộng gấp 3,7 lần
Theo mô tả trong Nghị định của Toàn quyền Đông Dương vào ngày 31/12/1901, ranh giới ban đầu của thị xã Huế lúc mới ra đời chỉ bao gồm các vùng phụ cận quanh Kinh thành và một dải đất hẹp ở bờ nam sông Hương, quá nhỏ bé so với hiện tại. Cho đến thời điểm năm 1975, các xã bấy giờ gồm Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Xuân, Thủy Phú, Hương Lưu hay Xuân Long vẫn thuộc các quận, huyện lân cận Hương Thủy, Phú Vang và Hương Trà. TP. Huế do thế vẫn rất bé nhỏ.
Còn hiện tại, sau khi điều chỉnh và sắp xếp, thành lập các phường, TP. Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người. Huế là thành phố thuộc tỉnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhất Việt Nam với 36 đơn vị, đồng thời là thành phố thuộc tỉnh có số phường nhiều thứ hai ở Việt Nam (sau TP. Thanh Hóa với 30 phường và có cùng 29 phường như TP. Biên Hòa). 36 phường, xã bao gồm: An Cựu, An Đông, An Hòa, An Tây, Đông Ba (Phú Hòa và Thuận Thành), Gia Hội (Phú Cát và Phú Hiệp), Hải Dương, Hương An, Hương Hồ, Hương Long, Hương Phong, Hương Sơ, Hương Thọ, Kim Long, Phú Dương, Phú Hậu, Phú Hội, Phú Mậu, Phú Nhuận, Phú Thanh, Phú Thượng, Phước Vĩnh, Phường Đúc, Tây Lộc, Thuận An, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ, Xuân Phú, Hương Vinh.
Diện tích đất tăng lên gấp 3,7 lần và dân số thành phố tăng lên gần gấp đôi, chiếm 1/2 dân số toàn tỉnh, Huế vẫn quá nhỏ so với TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương có diện tích 1.284,9 km² với dân số 1.134.310 người (năm 2019). Thế nhưng, so với đô thị Quảng Trị hay Đông Hà, Huế có diện tích gấp hơn 3,5 lần. Còn so với TP. Vinh, TP. Huế mở rộng có diện tích to gấp ba! Theo Chủ tịch Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, Huế hiện tại không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm mà sẽ trở thành đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và đồi núi, có thể phát huy nhiều thế mạnh.
Đô thị di sản
Huế lâu nay vẫn là một thành phố được nhìn nhận với những đặc trưng và khác biệt, trước hết đến từ sông Hương. Trước đây, đa số các xã, phường của Huế đều nằm dọc theo bờ sông Hương, cao nhất ở thượng nguồn là Thủy Biều và Hương Long, còn xa nhất nơi hạ lưu là Vỹ Dạ và Phú Hậu. Với TP. Huế được mở rộng như hiện nay sẽ tiếp nối với Thủy Bằng và Hương Thọ ở ngã ba Tuần và nơi sông Hương tiếp giáp với biển là Thuận An và Hải Dương. Đó được xem là bước đi hoàn thiện cuối cùng để Huế và Hương Giang vẹn tròn. Hãy nhìn, dòng sông dài 100 km; riêng đoạn chính được gọi là sông Hương 33 km, từ ngã ba Bằng Lãng đến Thuận An, và đó là Huế.
Cùng với sông Hương, vị thế vùng đất từng là thủ phủ xứ Đàng Trong và kinh đô của Triều Nguyễn và gần đây là việc tổ chức thành công các kỳ festival, Huế được biết đến là nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. 40 năm trước, khi đến khảo sát Cố đô Huế, ông Amadou Matar M’Blow, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ nhận định, Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị… Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động…”. Điều đó chứng minh Huế đã được nhìn nhận là một thành phố di sản.
Đặc trưng di sản càng trở nên đậm đặc hơn khi Huế mở rộng có thêm phố cổ Bao Vinh, rừng ngập mặn Rú Chá hay cụm lăng tẩm triều Nguyễn ở Thủy Bằng và Hương Thọ. Trong sự phát triển chung của các đô thị ở Việt Nam, nếu dựa vào tiêu chí để bình chọn, đô thị có vai trò là trung tâm chính trị và hành chính là Hà Nội. Đầu tàu của nền kinh tế của cả nước là TP. Hồ Chí Minh. Còn nếu nói đến các giá trị cốt lõi, rõ ràng TP. Huế đáp ứng và hội tụ đủ các đặc điểm bản sắc văn hóa Việt Nam, là đô thị lịch sử văn hóa.
Còn nhiều trong một
Xin được trở lại câu chuyện về Thuận An. Xưa nay, qua nhiều đợt mở rộng, đô thị Huế thường được phát triển theo trục dọc, tức là theo từ bắc vào nam bám theo quốc lộ 1. Bây giờ với đô thị mới mở rộng này tạo ra một trục phát triển mới từ tây sang đông. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên Huế, trục phát triển này sẽ kéo biển về gần với TP. Huế hơn, qua đó làm thay đổi bộ mặt, không chỉ là cố đô truyền thống mà còn là thành phố biển. Cũng theo ông Hoa, “phường Thuận An mới thành lập sẽ là hạt nhân cho sự phát triển cho toàn vùng, dọc theo bờ biển, đây là một nơi rất lý tưởng để hình thành những đô thị nghỉ dưỡng, đô thị biển”.
Nói như ông Võ Lê Nhật, Huế là đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và đồi núi. Cũng bởi vì thế mà Huế có nhiều thế mạnh cần phát huy. Thực tế, cùng với Thuận An, sự góp mặt Hải Dương đã xác định vị thế thành phố biển. Đi kèm với biển là đầm phá và đó lại là đặc thù không nơi nào có được của Huế. Với việc sáp nhập Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương Hồ và cả Hương An nữa đã bổ sung thế mạnh núi đồi cho Huế. Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Hương Phong và cả Thủy Vân, Phú Thượng, nông nghiệp đã trở thành một thế mạnh đáng kể khi bàn về sự phát triển của Huế mở rộng.
Là tỉnh lỵ của Thừa Thiên Huế, lâu nay Huế đóng vai trò là đô thị hạt nhân trung tâm. Với các nguồn lực được cộng thêm, Huế phải trở thành trung tâm động lực cho sự phát triển của toàn tỉnh. Theo ông Phan Thiên Định, ngoài vai trò là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, là đô thị di sản nhưng với phạm vi mới, yêu cầu mới Huế phải là trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế, là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hướng tới là trung tâm giao thương, nơi các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến đặt trụ sở; nơi có đầy đủ điều kiện để các nhà doanh nghiệp đến nghiên cứu và đầu tư. Chưa kể, Huế mở rộng sẽ hình thành trung tâm nghiên cứu khoa học gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hương- Đan Duy
Kỳ IV: Đồng bộ hóa để phát triển