ClockChủ Nhật, 30/07/2023 11:54

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm nước lợ

Lợi thế về vị trí địa lý, có bờ biển kéo dài, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản mặn, lợ, trong đó có nuôi tôm phát triển. Những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ liên tục tăng về diện tích, sản lượng, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Nhiều dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, hữu cơ, VietGAP… được thực hiện đã góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm Việt Nam.

Hướng đến nuôi tôm an toàn, bền vữngTận dụng lợi thế để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu năm 2023Phập phồng nuôi tôm chân trắngMôi trường thay đổi, tôm cá nuôi lại chếtLãng phí ao hồ nuôi tôm trên cát

leftcenterrightdel
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Trong giai đoạn 2010-2022 diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước tăng từ 618.600 ha lên 750.000 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,2%/năm, sản lượng tăng từ 443.700 tấn lên hơn một triệu tấn. Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu tập trung vào tôm thẻ chân trắng từ 119.700 lên 735.000 tấn.

Áp dụng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến

Bà Châu Thị Tuyết Hạnh, đại diện Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành công nghiệp nuôi tôm nước lợ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Tôm nuôi của Việt Nam được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với những thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu, chiếm từ 13 đến 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm nước ta đóng góp khoảng 40 đến 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; giải quyết việc làm cho hơn ba triệu lao động.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để phát triển bền vững ngành tôm, Trung tâm đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, hữu cơ, VietGAP… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP khu vực Bắc Trung Bộ.

Đây là mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nuôi tôm hai giai đoạn sử dụng ao lót bạt phù hợp điều kiện vùng bãi cát ven biển miền trung. Mô hình giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe người lao động. Đặc biệt, tôm nuôi theo mô hình này giảm chi phí đầu tư, sinh trưởng nhanh, kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống cao, hạn chế dịch bệnh. Qua đánh giá, tôm nuôi cho năng suất 16 tấn/ha/vụ, thu nhập đạt 1,6 tỷ đồng/ha.

Hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được thực hiện tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất của mô hình nuôi đạt 36 tấn/ha/vụ, lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/ha/vụ. Mô hình nuôi tôm sú thâm canh hai giai đoạn bảo đảm an toàn thực phẩm thực hiện tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho năng suất 4,7 tấn/ha/vụ, lợi nhuận gần 300 triệu đồng/ha/vụ. Tại Quảng Bình, năm 2022, tỉnh thả nuôi 1.480 ha tôm nước lợ, sản lượng đạt 4.145 tấn.

Đến nay, một số vùng nuôi được đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nuôi thủy sản với hình thức thâm canh, nuôi công nghệ cao như: Nuôi tôm trên ao đất, nuôi tôm trên cát. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, hiện nay, nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm trên địa bàn đang hướng đến sản xuất công nghệ cao, hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với người tiêu dùng.

Theo đánh giá, các vùng nuôi tôm thu lãi từ 100 đến 200 triệu đồng/ha. Anh Trần Anh Đức xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi hiện nay đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao Grofarm giúp hiệu quả cao và bền vững hơn. So sánh với nuôi trong ao đất như trước đây thì sản xuất theo công nghệ này tôm sinh trưởng, phát triển nhanh, sức đề kháng cao, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế tốt. Với diện tích nuôi hơn 2 ha, sản lượng thu đạt gần 100 tấn/năm, thu lãi 3 đến 4 tỷ đồng”.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tôm nước lợ được xác định là đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế của ngành nông nghiệp tỉnh. Trên địa bàn có 7/13 địa phương nuôi tôm nước lợ với diện tích 2.239 ha, sản lượng năm 2022 đạt 5.687 tấn. Hiện nay, nghề nuôi tôm nước lợ, nhất là nuôi tôm trên cát đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Đến cuối năm 2022, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 311 ha, trong đó nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng, dự án nuôi tôm thâm canh ao đất bãi triều, nuôi công nghệ cao trên cát, đạt năng suất từ 15 đến 20 tấn/ha/vụ. Anh Lê Đình Sáng, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cho biết: “Trước đây tôi nuôi tôm trên ao đất, kỹ thuật hạn chế nên hiệu quả không cao. Thời gian gần đây, tôi được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình ba giai đoạn tiêu chuẩn VietGAP.

Ưu điểm của mô hình là tôm nuôi không dùng kháng sinh, rủi ro ít, hạn chế dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 0,8 ha, thu nhập 3 đến 4 tấn/vụ, giá bán tôm 160 đến 200 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống trên ao đất”.

Liên kết sản xuất theo chuỗi

Theo Cục Thủy sản, việc nuôi tôm nước lợ ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó nguồn giống tôm bố mẹ chưa chủ động được phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa bảo đảm khi hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ mới dừng lại ở mức cảnh báo. Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng hơn 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào, vận chuyển khiến giá thủy sản cao, năng lực cạnh tranh thấp; tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chuỗi tôm còn lỏng lẻo, chưa bền vững. Các chuỗi liên kết tôm hiện nay chủ yếu theo mô hình liên kết giữa đơn vị cung cấp đầu vào (giống, thức ăn, vật tư...) với hợp tác xã, tổ hợp tác và đầu ra là bán cho nhà máy chế biến.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở một số tỉnh vùng duyên hải miền trung do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Quảng Bình ngày 24/7 vừa qua, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu đang gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm, nhất là khu vực miền trung. Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, hiện nay đã có nhiều giải pháp công nghệ như: Công nghệ nuôi tôm hai, ba giai đoạn, nuôi tôm trong ao đất lót bạt… nên hạn chế được dịch bệnh, tác động từ các yếu tố môi trường.

Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết trong nuôi tôm và phát triển nghề nuôi trong vùng quy hoạch, không phát triển nóng khiến mất cung cầu, giá thành thấp”. Còn theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh: “Với quy trình nuôi tôm hai, ba giai đoạn mà Trung tâm đang triển khai, đây là sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Để phát triển, nhân rộng mô hình này thì cần có giải pháp công nghệ cao cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp để đồng hành với người dân, tư vấn trực tiếp cho người nuôi khi xảy ra dịch bệnh nhằm bảo đảm sản xuất. Mục tiêu là hướng đến nghề nuôi tôm không kháng sinh, hướng đến hữu cơ”.

Nhằm bảo đảm nghề nuôi tôm phát triển bền vững, Cục Thủy sản cho rằng thời gian tới, các địa phương cần khuyến cáo người dân duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, nâng cao thu nhập; nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ để thông tin đến người nuôi có kế hoạch thả giống; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; đa dạng sản phẩm để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm tôm chính; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm; quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào để giảm giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác…

Theo Nhân Dân điện tử
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuất khẩu tôm dự kến đạt 3,4 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tháng 11 đạt trên 310 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm dự kến đạt 3,4 tỷ USD
Nâng tầm tôm Việt cùng phát triển sản phẩm OCOP

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023 (gọi tắt là Festival Tôm) là lễ hội lớn nhất về ngành hàng tôm, có quy mô cấp khu vực, được tỉnh Cà Mau lần đầu tiên đăng cai tổ chức.

Nâng tầm tôm Việt cùng phát triển sản phẩm OCOP
Tận dụng lợi thế để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu năm 2023

Giữa những khó khăn được dự báo trước như biến động tiêu dùng thế giới, lạm phát, lãi suất ngân hàng chi phối các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng như các hộ nuôi tôm trong nước, nhưng các doanh nghiệp ngành tôm vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong năm 2023.

Tận dụng lợi thế để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu năm 2023

TIN MỚI

Return to top