ClockThứ Tư, 10/10/2018 08:02

Giá xăng dầu tăng, kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức lớn

Trong bối cảnh giá dầu thế giới diễn biến khó lường và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, kiểm soát lạm phát dưới 4% đang là thách thức lớn.

Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lựcNâng tỷ suất đóng góp cho nền kinh tếChia sẻ, tạo sự đồng thuận để phát triển

Thách thức từ nhiều phía

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Tính chung quý III/2018, CPI tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2017. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Theo PGS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), năm 2018, Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, lạm phát đã ở mức 3,57%, nghĩa là lạm phát đã tiệm cận với mục tiêu 4%, trong khi đó còn 3 tháng nữa mới hết năm 2018.

Giá xăng dầu tăng sẽ khiến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo

“Quốc hội, Chính phủ vẫn kiên quyết sẽ đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu, nhưng tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu này là một thách thức. Chính phủ rất quyết tâm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, một biến số cực kỳ quan trọng đối với lạm phát là giá dầu thô trên thế giới lại có những diễn biến khó lường”, PGS Ngô Trí Long cho hay.

Theo ông Long, hiện nay Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran nên quyết định cấm vận Iran xuất khẩu dầu. Trong khi đó, đây là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, việc cấm vận này làm cho giá dầu tăng lên, bởi giá xăng dầu tùy thuộc vào quan hệ cung cầu. Khi nguồn cung giảm thì giá sẽ tăng. Đồng thời, theo thỏa thuận thì một số nước như Nga và một số nước OPEC sẽ không tăng sản lượng do tăng sản lượng thì giá dầu sẽ giảm, trong khi đó dầu lại là nguồn thu lớn của các nước này trong năm qua và sẽ làm cho các nước này thất thu.

“Hiện nay giá dầu thô đang ở mức dưới 90 USD/thùng và dự kiến sẽ còn tăng lên khoảng 100 USD/thùng thời gian tới, điều này sẽ tác động lớn đến lạm phát năm 2018. Việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lên các hàng hóa dịch vụ, tác động đến lạm phát những tháng cuối năm”, PGS Ngô Trí Long nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4% đang là thách thức lớn.

Các chỉ tiêu quan trọng năm 2018 như tăng trưởng, lạm phát… được Quốc hội thông qua theo kịch bản giá dầu thô 50 USD/thùng và giá dầu thành phẩm khoảng 60 USD/thùng. Tuy nhiên, bình quân giá thành phẩm xăng dầu trong 15 ngày gần đây là 90,63 USD/thùng xăng RON 92 và 96,89 USD/thùng dầu diesel. Giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá bán lẻ trong nước với xăng E5 RON 92 cũng tăng lên mốc kỷ lục trong 2 năm 2017-2018, đạt 20.906 đồng/lít.

Theo TS Doanh, hiện giá dầu thô trên thế giới diễn biến khó lường, có thể tăng lên bất kỳ lúc nào. Nếu giá dầu tăng cộng thêm mức thuế môi trường mới lên mặt hàng xăng dầu sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019 thì sẽ có những tác động đến CPI cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chưa kể, hiện nay một số phí như phí kho bãi, vận chuyển có dấu hiệu tăng cho thấy sức ép lên giá cả là khá lớn.

“Nguy cơ lớn trước mắt là từ nay đến đầu năm 2019, giá xăng và dầu bán lẻ có thể tăng phi mã. Trong bối cảnh đồng USD tăng giá, nhân dân tệ giảm giá, thuế môi trường với xăng tăng từ ngày 1/1/2019, giá dầu tăng sẽ bồi thêm nhiều tầng thách thức với nền kinh tế", TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.

Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng trên thế giới biến động rất khó lường, đặc biệt trong 9 tháng năm 2018, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Trong nước, 9 tháng qua, mặt hàng xăng đã có 8 lượt tăng và 3 lượt giảm giá, dầu hỏa có 10 đợt tăng và 4 đợt giảm giá, tổng chung lại việc giá xăng dầu tăng giảm trong thời gian qua theo tính toán đã tác động làm CPI tăng 0,69%.

“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược trong tiêu dùng, sản xuất, xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá sản xuất tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng. 9 tháng qua, giá xăng RON 92 tăng tới 28,2% so với đầu năm. Nếu xăng dầu tăng chắc chắn sẽ tác động tới CPI. Do đó, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Thận trọng với lạm phát những tháng cuối năm

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, dù nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh sức ép lạm phát còn rất lớn do cả nguyên nhân bên trong lẫn bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… Do vậy, đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được, cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng thời bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Còn theo PGS Ngô Trí Long, giá xăng dầu là yếu tố đầu vào cực kỳ quan trọng của nền kinh tế, vì thế, việc giá xăng dầu tăng lần thứ 9 trong năm cũng như tiếp tục tăng giá sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát thời gian tới.

“Trong điều hành kinh tế có một vấn đề cần tránh đó là hiện tượng “té nước theo mưa” của giá cả thị trường, nghĩa là khi một mặt hàng tăng giá thì các mặt hàng khác đồng loạt tăng theo. Như vậy, biện pháp của Nhà nước là cần cảnh giác và phải kiểm soát hết sức chặt chẽ. Việc xăng dầu tăng giá lần này và theo dự báo là còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm cũng như đầu năm 2019, tiến tới mức 100 USD/thùng. Chính vì thế, đây là một cảnh báo và thách thức không nhỏ trong điều hành kinh tế của Chính phủ”, ông Long nhấn mạnh.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xu hướng lạm phát toàn cầu năm 2025

Theo dự đoán của các chuyên gia phân tích, lạm phát trung bình toàn cầu năm 2025 sẽ thấp hơn tỷ lệ lạm phát năm 2024, mặc dù tốc độ sụt giảm sẽ chậm hơn so với năm 2024 và năm 2023. Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) cho rằng, giá thực phẩm và năng lượng thấp hơn sẽ kìm hãm giá cả trong năm 2025, mặc dù nhiều hạn chế thương mại toàn cầu có thể sẽ thúc đẩy lạm phát.

Xu hướng lạm phát toàn cầu năm 2025
Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 2/1, Ban Thanh niên Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng Quản lý dịch vụ buồng bệnh, cơ sở vật chất và Bảo vệ cùng Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế triển khai có hiệu quả Công trình thanh niên “Phòng chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế”. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” của tuổi trẻ Công an thành phố trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo tốt an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

TIN MỚI

Return to top