ClockThứ Hai, 17/10/2022 19:08

Tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm làng nghề

TTH - Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhiều làng nghề và nghề truyền thống trên địa bàn TP. Huế đã phát triển thêm dịch vụ tham quan du lịch và thao diễn nghề nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và thu hút khách.

Nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu và bán hàng cho sản phẩm truyền thống Huế“Chỗ đứng” cho sản phẩm làng nghề - Kỳ II: Xây dựng chuỗi liên kết gắn với du lịch làng nghề"Chỗ đứng" cho sản phẩm làng nghề - Kỳ I: Làng nghề “độc lập tác chiến”

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại làng nghề hương trầm Thủy Xuân

Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, cách trung tâm TP. Huế khoảng 7km về hướng tây nam, làng nghề hương trầm Thủy Xuân lúc nào cũng tấp nập khách. Sau khi được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống vào tháng 12/2021, người dân làng nghề khai thác tiềm năng, lợi thế vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch nên số lượng khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm ngày càng đông, tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm làng nghề.

Là một trong những người đầu tiên vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch, bà Tôn Nữ Mộng Hoa chia sẻ: “Trước đây, có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan và xem thao diễn nghề. Nhiều du khách thích thú với khung cảnh nhiều bó chân hương rực rỡ sắc màu được trưng bày trải khắp cả tuyến đường; rồi họ chụp ảnh, liên tục thay trang phục và tạo dáng… Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng ngoài làm hương để kiếm tiền thì việc tạo không gian cho du khách chụp hình cũng là cách để tăng thêm thu nhập. Sau đó, tôi đưa các bó chân hương nhiều màu sắc ra bày trí ở phía trước gian hàng sao cho bắt mắt. Ai đi tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh thấy đẹp đều ghé vào gian hàng để chụp hình, nhiều người trong làng thấy thế cũng làm theo nên giờ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách”.

Qua khảo sát, không chỉ du khách đến tham quan, chụp hình ở làng hương mà ngay chính người dân Huế cũng tranh thủ lên đây, thuê áo dài cổ phục, quạt, nón… để chụp hình.

Theo lãnh đạo UBND phường Thủy Xuân, hiện trên địa bàn phường có khoảng từ 25-30 hộ dân làm nghề hương trầm dọc tuyến đường từ Huyền Trân Công Chúa đến đường Đoàn Nhữ Hài. Trong đó, có khoảng 5-7 hộ dân vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch. Việc công nhận nghề làm hương trầm ở Thủy Xuân là nghề truyền thống ngoài việc bảo tồn, tôn vinh một nghề thủ công truyền thống còn nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Tại Cơ sở Trà - Bánh & Thủ công Mạ’s House ở phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế, du khách có dịp trải nghiệm với các hoạt động làm bánh truyền thống, gồm bánh pháp lam, bánh in, các loại bánh bèo, nậm, lọc và cùng với các thợ thủ công thao diễn nghề truyền thống, như thêu, đan móc, xếp giấy... Hình thành từ đầu năm 2021 sau thời gian dài kinh doanh các sản phẩm làng nghề và đặc sản Huế, đến nay Mạ’s House đã có nguồn khách ổn định thông qua các hãng lữ hành, công ty du lịch và các cơ sở trường học trên địa bàn.

Chủ cơ sở Trà - Bánh & Thủ công Mạ’s House, bà Phan Nữ Phước Hồng cho rằng, phố cổ Bao Vinh từng được nhiều người biết đến là một khu phố cổ kính với nhiều kiến trúc độc đáo, giàu giá trị văn hóa và lịch sử nhất của Cố đô Huế. Xuất phát từ ý tưởng quảng bá cho phố cổ Bao Vinh để nhiều người dân và du khách biết đến địa điểm này, cơ sở đã hình thành không gian trải nghiệm nhằm giới thiệu các ngành nghề truyền thống Huế, qua đó giúp du khách am hiểu nhiều hơn về các nghề thủ công truyền thống, đồng thời nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm làng nghề.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấm lửa rèn Bao Vinh

Người xưa truyền lại, nghề rèn Bao Vinh (phường Hương Vinh, quận Xuân Phú) đã có từ lâu đời với nguồn gốc từ làng Hiền Lương (thị xã Phong Điền) nổi tiếng nghề rèn, nghề sắt truyền thống.

Ấm lửa rèn Bao Vinh
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

TIN MỚI

Return to top