ClockChủ Nhật, 18/08/2019 05:30

Trâu khóc, người cũng khóc!

TTH - Nuôi trâu phục vụ cày bừa, phát triển kinh tế hộ gia đình thì ai cũng biết, nhưng chuyện “trâu khóc” mỗi khi bị bán, rời xa chủ nuôi chắc rằng không nhiều người biết đến.

Thêm giống lúa mới cho nông dân và người tiêu dùng

Nuôi bầy trâu đủ nuôi bầy con...

Từ nhỏ, buổi đến trường, buổi phụ giúp cha chăn trâu ra đồng, anh Phan T. ở xã Hương Vinh (TX. Hương Trà) “bén duyên” với nghề nuôi trâu từ lúc nào. Từ hai bàn tay trắng, ở nhà chồ tạm bợ ven bờ sông, vậy mà nhờ nuôi trâu anh T. xây được nhà kiên cố, có điều kiện nuôi con ăn học.

“Hồi còn nhỏ, ba tui từng bảo, ông nội bây khi “qua đời” chỉ để lại cho tao mỗi bầy trâu. Hằng năm vừa gầy dựng đàn, vừa bán, bầy trâu lúc nào cũng duy trì, giữ nguyên trên dưới 10 con. Một thời, trong khi cả làng còn nhiều nhà tạm bợ thì ba tui đã xây được nhà kiên cố khá khang trang nhờ bán các lứa trâu”, anh T. kể.

Khi anh em của anh T. lớn lên, ba anh thường bảo: “Chừ đứa mô lập gia đình, ra ở riêng, tao chẳng có chi ngoài mỗi đứa được cho một con trâu. Tụi bây liệu đó mà gầy đàn để phục vụ cày bừa và làm ăn, nuôi con cái ăn học sau này”.

Đến lúc lập gia đình, ra ở riêng, ngoài con trâu ba cho, vợ chồng anh T. chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, thậm chí không có “mảnh đất cắm dùi”, đành ra bờ sông làm tạm ngôi nhà chồ để sinh sống qua ngày.

Thời gian sau, con trâu cũng sinh sản thêm 2 con, rồi phát triển đàn lên 5 con… vợ chồng anh T. mừng khôn xiết. Hy vọng có một ngôi nhà kiên cố đảm bảo an toàn trong mùa bão, lũ với gia đình anh T. lúc này không còn xa.

Cách đây chừng 10 năm, anh T. được Nhà nước cấp đất lên bờ định cư, còn hỗ trợ thêm mấy chục triệu đồng làm nhà, vợ chồng anh T. bàn bạc, bán bớt 2 con trâu để có thêm hơn 40 triệu đồng, nhờ đó “cất” được ngôi nhà kiên cố, không còn lo mỗi khi mùa bão, lũ đến.

Bây giờ các con anh T. cũng đã lớn, đứa vừa vào đại học, hai đứa còn lại lớp 9, 11, trong khi đàn trâu vẫn duy trì 6-7 con. Anh T. bảo: “Nuôi bầy trâu thừa sức nuôi bầy con”. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi trâu bây giờ bán được giá, thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định. Chỉ cần bán một con trâu, bình quân 20-25 triệu đồng có thể đóng học phí, mua sắm sách vở, áo quần cho con cả năm học đại học.

Anh Trần H. ở thị trấn Phú Đa (Phú Vang) được nhiều bà con địa phương “mệnh danh” là “H. trâu” vì gia đình từ bao đời nay nuôi trâu, anh H. là đời thứ ba nối nghiệp. Các đời trước nổi tiếng giàu có nhất trong vùng nhờ chăn nuôi nhiều trâu, làm nhiều ruộng, giờ đây anh H. cũng nhờ đàn trâu luôn duy trì trên dưới 10 con mà xây được nhà kiên cố, nuôi con ăn học. Anh H. khẳng khái: “Ở vùng quê thuần nông, chuyên trồng vài sào ruộng lúa biết bao giờ mới khá lên được. Thú thật đời sống, cơ ngơi gia đình tui có được như hôm nay nhờ chăn nuôi trâu”.

Từ bao đời, con trâu luôn gắn với người nông dân và ruộng đồng

Trâu cũng có tình

Gắn bó với nghề nuôi trâu hơn 20 năm, anh Đặng Duy S. ở xã Hương Phong (TX. Hương Trà) “thấm thía tình cảm” giữa trâu với chủ nuôi. Không chỉ những con nuôi lâu năm mà cả nghé mới vài năm tuổi cũng đã có “tình cảm” với con người. Mỗi lần gia đình “chộn rộn” chuyện bán trâu cho người khác thì hầu hết các con trong đàn đều tuôn trào nước mắt.

“Mỗi khi tui đến gần, đàn trâu ùa tới ve vẩy đuôi, đầu cạ vào người tui như không muốn rời chủ. Khi chủ mới dắt đi, trâu cứ rị lại, đầu ngoái về phía chủ nuôi, chảy nước mắt. Nếu không vì điều kiện kinh tế gia đình thì tui sẽ không nỡ lòng nào bán những lứa trâu đã từng gắn bó với mình từ nhiều năm”, anh S. bùi ngùi.

“Ở xã Hương Phong cũng như nhiều vùng thấp trũng, một thời thiếu phương tiện ghe, xuồng nên thường phải nhờ đến trâu cưỡi qua những vùng ngập lũ. Cách đây hơn 10 năm trong một trận lũ lớn, hai con trâu đã kiệt sức khi đưa cả gia đình tui vượt qua vùng nước lũ chảy xiết”, anh S. xúc động.

Ông cha mình từng đúc kết: “Lạc nhà theo đuôi chó, lạc cửa ngõ cầm đuôi trâu”. Có lần anh S. bán con trâu đực cho một người ở huyện Phong Điền, một tháng sau có thể do bị sổng chuồng, con trâu này vẫn nhớ đường đã tìm về tận nhà chủ nuôi cũ. Xúc động trước “tình cảm” của trâu, anh S. liên hệ với chủ mới ở Phong Điền xin chuộc lại nó để nuôi. Sau thời gian dài con trâu bị già, mất sức đã ngã bệnh và chết, được anh S. chôn cất đàng hoàng.

Một chủ nuôi khác là ông Nguyễn Văn P. ở thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong) từng bán đến 6 con trâu cho một chủ nuôi ở thôn An Khốc ở cùng xã, cách nhà ông P. chừng 5km. Tưởng sau thời gian khá dài trâu đã quên đường, không ngờ 3 tháng sau nó tìm về tận nhà. Trong số 6 con có một con gắn bó với gia đình ông P. hơn 10 năm, khi thấy ông P. nước mắt cứ nó tuôn chảy. Không đành lòng, ông xin chuộc lại con trâu này để nuôi và đến bây giờ vẫn còn.

Hộ ông Đặng Văn C. ở thôn Thuận Hòa nuôi một con trâu mà hầu như cả làng ai cũng biết bởi trí khôn của nó. Ông C. bảo quỳ là nó quỳ, bảo đứng nó sẽ đứng. Còn chuyện “tắc, rì” là bình thường - tức nói đi phía bên trái là trâu tự rẽ trái, nói đi bên phải là rẽ phải. Nhiều người trong làng và những nơi khác nghe chuyện này, hiếu kỳ đã kéo nhau đến để được “tai nghe, mắt thấy”. Có người trả giá con trâu này 70 triệu đồng (gấp vài lần so với bình thường) nhưng ông C. không bán.

“Thường sau mùa thu hoạch lúa, người dân thả trâu ra đồng, tối chúng tự tìm về nhà hoặc tìm đến các rú, nơi có nhiều cây cối để ngủ, có khi ở rú đến cả mấy tháng. Khi thời tiết có dấu hiệu chuyển mùa, diễn biến phức tạp, chúng vẫn tự tìm về tận nhà trước khi bão, lũ xảy ra”, ông P. kể.

Theo lời kể của nhiều người dân, một thời “con trâu là đầu cơ nghiệp”, được rèn luyện bài bản; mỗi khi vào vụ mùa, trâu có thể tự cày đất “ngay hàng thẳng lối” mà không cần người dẫn dắt. Hay đến khâu “đạp lúa”, chủ nhà không cần cầm dây điều khiển mà trâu tự đi, tự đạp, lúc nào chủ bảo nghỉ là nghỉ…

Ông Đặng Duy Đ. ở xã Hương Phong xúc động: “Khi mua trâu của ai cũng vậy, cứ thấy nó và chủ nuôi lưu luyến, nước mắt ngắn dài, tui cũng chạnh lòng”. Bởi thế, dù nó chỉ là con vật nhưng ở lâu với mình vẫn có tình cảm, quyến luyến khi phải bán nó cho người khác!

Ở các vùng nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình chăn nuôi trâu, số ít dùng để cày kéo, phần lớn phát triển kinh tế gia đình. Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh, tổng đàn trâu toàn tỉnh hiện nay khoảng 20.800 con, giảm chừng 10% so với cùng kỳ năm trước do thời gian qua trâu được giá nên nhiều hộ xuất bán. Tính riêng 7 tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt trên 700 tấn. Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ chăn nuôi trâu từ 5 con trở lên đều ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

TIN MỚI

Return to top