Ngư dân Phong Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi
Tiền hỗ trợ đã đến tay ngư dân
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, đến nay các hộ gia đình đã nhận được số tiền hỗ trợ là 511.500.000 đồng, 25.335kg gạo. UBMTTVN Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Công ty Bia Huế và một số tổ chức khác cũng đến từng hộ ngư dân để hỗ trợ tiền và các nhu yếu phẩm khác. Hiện nay, UBND xã tiếp tục kiến nghị chính quyền cấp trên hỗ trợ cho 60 hộ chế biến, kinh doanh nước mắm, 92 nhóm hộ nuôi tôm, 84 người thu mua cá biển và 83 hộ khó khăn do liên quan đến sự cố môi trường biển. Song song đó, đề xuất với tỉnh, huyện khoanh nợ, giãn nợ cho 224 hộ vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, nuôi tôm với số tiền hơn 28 tỷ đồng.
Theo thống kê của UBND huyện Phong Điền, qua kê khai, rà soát tại 4 xã ven biển, gồm: Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Hương có 151 chiếc ghe, thuyền bị ảnh hưởng (trong đó: ghe, thuyền không lắp máy 57 chiếc; ghe, thuyền lắp máy có công suất dưới 90 CV 94 chiếc); số hộ bị ảnh hưởng là 321 với 1.592 nhân khẩu. UBND huyện đã trích ngân sách số tiền 669.500.000 đồng và phân bổ 35.850 kg gạo từ nguồn của tỉnh để hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng theo quy định; công tác hỗ trợ hoàn thành trước ngày 20/5.
Chuyển đổi nghề nghiệp
Trong các xã ven biển của huyện Phong Điền, Phong Hải là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự cố môi trường biển. Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, hiện nay, từ nguồn ngân sách của địa phương là 150 triệu đồng, xã đã xây dựng nhiều mô hình như: nuôi gà, nuôi cá chình, làm nấm rơm… hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho 27 hộ. Trong đó, chuyển đổi 12 hộ sang nuôi gà với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng; chuyển đổi 10 hộ sang làm nấm rơm với mức hỗ trợ 50 triệu đồng và chuyển đổi 5 hộ sang nuôi cá chình với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng.
Anh Đinh Văn Thuận, thôn Hải Phú cho biết, trước đây anh nuôi 2 hồ tôm trên cát với diện tích 0,8ha. Bình quân mỗi năm cho thu lãi từ 600 đến 700 triệu đồng. Sau sự cố môi trường biển, gia đình anh không nuôi tôm nữa do sợ nguồn nước biển bị ô nhiễm và đầu ra khó khăn. Sau khi tham quan và học hỏi mô hình nuôi cá chình ở các nơi; đồng thời được sự vận động, hỗ trợ của xã là 10 triệu đồng, gia đình anh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng, xây 2 bể với diện tích 104m2 để chuyển sang nuôi cá chình. Hiện nay, anh đang liên hệ đặt mua cá giống để nuôi trong thời gian tới. Theo anh Thuận, để các hộ dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi ngành nghề mới, tỉnh, huyện cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, hỗ trợ các chi phí ban đầu như: thức ăn, con giống để người dân yên tâm làm ăn lâu dài.
Hiện nay xã Phong Hải đã quy hoạch 5 trang trại và 1 điểm tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích gần 6ha và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Khánh cho biết thêm, hiện nay xã đang vận động, tuyên truyền các hộ lao động biển đăng ký vào khu trang trại để chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, do hạ tầng cơ sở chưa có nên các hộ dân vẫn chưa mặn mà.
Bài, ảnh: Hải Huế