ClockThứ Sáu, 02/11/2018 09:58

Không làm ồ ạt, chỉ xuất khẩu loại gạo thị trường có lợi thế

Gạo là một trong những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hàng hóa nông sản xuất khẩu. Việt Nam là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vì vậy, vấn đề của hạt gạo hiện nay không phải là tìm đầu ra cho nông dân mà cần xem xét lại nên sản xuất giống lúa nào, sản phẩm nào mang về lợi nhuận cao hơn chứ không phải cứ sản xuất bất kỳ loại nào, chỉ nên tăng cường sản xuất loại nào thị trường có lợi thế, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của lúa gạo Việt Nam

Trung Quốc là thị trường số 1 của gạo Việt Nam nhưng lại "nóng, lạnh" rất thất thường. Mới đây là việc chính phủ Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu nếp lên 50% khiến doanh nghiệp và nông dân trồng nếp lao đao. Để có thể xuất khẩu gạo, nếp vào thị trường này ổn định, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của lúa gạo Việt Nam, nhưng năm nay, chính phủ Trung Quốc áp thuế nhập khẩu gạo và dùng các rào cản kỹ thuật đối với gạo nếp của Việt Nam.

Mấy năm trước Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo nhưng không áp thuế đối với mặt hàng nếp nên từ năm 2017 trở về trước các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nếp vào thị trường này.

Trồng nếp có lãi hơn so với trồng lúa nên thời gian qua, nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An tăng diện tích trồng nếp trong khi đó mặt hàng nếp bán chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc thị trường lớn của xuất khẩu gạo Việt Nam và không riêng gì cây lúa mà bất kỳ loại nông sản nào khi thị trường này có yêu cầu thì nông dân sẽ đáp ứng ngay, nhưng khi thị trường này dừng lại thì nông sản của bà con phải bán đổ bán tháo! Những năm gần đây thị trường Trung Quốc có nhu cầu nếp rất cao, hai là gạo thơm OM 5451, thứ ba là lúa ST. Năm 2017, cả nước xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn nếp, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 1,2 triệu tấn.

Đầu năm 2018 tôi đã báo cáo và đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương về những rủi ro trong trồng nếp và việc mặt hàng đang bị lệ thuộc quá sâu vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, nông dân ở các địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Long An vẫn mở rộng diện tích trồng nếp và nay xuất khẩu nếp đã gặp rủi ro do Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 50%. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nếp và nông dân trồng nếp đều bị thua lỗ.

Trung Quốc đang cho xuất khẩu tồn kho gạo cũ của nhiều năm trước chất lượng rất kém, và nhập khẩu gạo mới nhưng vẫn cấp quota hạn ngạch và dựng lên rào cản thuế quan, nên xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm rất hạn chế.

Vấn đề đặt ra trong sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam theo định hướng chiến lược sắp tới cũng có bề trái của nó, vì vậy, rất cần sự chỉ đạo chung của các bộ, ngành liên quan.

Xu hướng của người tiêu dùng đang chú trọng đến loại gạo an toàn và gạo sạch. Vậy theo ông chúng ta có thể sản xuất được 2 loại gạo này không? 

Hiện nay chúng ta chỉ có thể sản xuất gạo an toàn chứ chưa có thể nói đến sản xuất gạo sạch, nếu nói gạo sạch là không đúng. Gạo sạch là loại gạo phải được quản lý ở mức độ an toàn, nếu làm gạo sạch ở mỗi công đoạn từ đất, nước, giống, vận chuyển, xây xát, chế biến ... tất cả đều phải có giấy chứng nhận gạo sạch.

Cho dù chúng ta quản lý được thuốc bảo vệ thực vật và quản lý được sử dụng phân bón cũng chưa thể gọi là gạo sạch mà chỉ có thể gọi là gạo an toàn, những diện tích lúa trồng ở vùng nuôi cá, nuôi tôm ở các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre ... đó gọi là sản phẩm an toàn nhưng rất ít.

Định hướng sản xuất lúa gạo an toàn là rất tốt vì loại lúa gạo này có giá bán trên thị trường rất cao so với lúa trồng trong điều kiện bình thường, nhưng loại lúa này chỉ sản xuất được một vụ/năm. Phương án sản xuất gạo an toàn đã có nhưng để nhân rộng ra thì chưa được.

Các thị trường nhập khẩu gạo đang dựng lên nhiều rào cản đặc biệt là rào cản kỹ thuật. Vậy chúng ta phải là gì trước tình hình này?

Các thị trường nhập khẩu đang dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật là có thật. Trước đây gạo xuất khẩu đi Mỹ rất thuận lợi nhưng bây giờ họ dựng lên rào cản kỹ thuật về vấn đề an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc cũng dựng lên rào cản kỹ thuật đối với hạt gạo của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản lâu nay nổi tiếng về rào cản kỹ thuật, Hàn Quốc, EU...  cũng vậy.

Nhìn chung, các nước nhập khẩu gạo chất lượng cao đều đưa ra rào cản kỹ thuật và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, do vậy, khi đưa sản phẩm vào nước họ chúng ta bắt buộc phải chấp nhận các quy định này.

Từng nước nhập khẩu có những thay đổi về chính sách nhập khẩu gạo nhưng các doanh nghiệp trong nước không thể nắm bắt kịp thời, vì vậy, chúng tôi có báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thông qua các tham tán thương mại ở các quốc gia đó, khi họ có thay đổi chính sách đối với mặt hàng lúa gạo, cập nhật thông tin báo về cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp sẽ triển khai xuống các hộ nông dân để phát triển và nâng cao giá trị hạt lúa.

Theo VnEconomy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD

TIN MỚI

Return to top