ClockThứ Hai, 11/03/2019 11:04

Giá trị cảnh quan và kinh tế từ vườn mẫu

TTH - Được công nhận xã nông thôn mới (NTM) cuối năm 2014, nhưng để hoàn thiện NTM theo hướng nâng cao, Quảng Phú (Quảng Điền) vận động người dân tham gia mô hình vườn nông thôn mẫu, giúp tăng nguồn thu và tạo cảnh quan đẹp, xanh, sạch...

Gỡ khó trong xây dựng nông thôn mớiXây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu

 Vườn mẫu gia đình anh Nguyễn Đăng Tuấn không chỉ thoáng đẹp hơn mà còn cho thu nhập cao hơn

Từ hơn 4 hộ tham gia mô hình

 Trừ diện tích nhà ở, gia đình anh Nguyễn Đăng Tuấn, thôn Bác Vọng Tây có diện tích đất vườn rộng hơn 1.000m2. Năm 2018, tham gia mô hình vườn nông thôn mẫu, anh bắt tay chặt bỏ những cây tạp, cây dại trong vườn, chỉnh trang khuôn viên bờ rào và sắp xếp những diện tích cây trồng hợp lý.

Ngoài diện tích trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ổi, anh Tuấn bố trí diện tích tiếp tục trồng rau, quả, hoa để "lấy ngắn nuôi dài". Thu hoạch xong vụ rau gồm xà lách, dền, má, mướp, bầu, gia đình anh xoay sang trồng hoa đất. Chỉ riêng trồng khoảng 500m2 hoa tại vườn, mỗi năm cho thu nhập hơn 15 triệu đồng, cao hơn gấp 5 lần so với trồng đậu, trồng lúa. Khoảng vài năm nữa, khi những cây ăn quả trong vườn cao lớn, cho trái, thu nhập của gia đình anh Tuấn tăng cao hơn.

Hiện trên địa bàn xã Quảng Phú có thêm 4 hộ khác tham gia mô hình vườn mẫu NTM. Trước đây, hầu hết các vườn tuy rộng nhưng "ngổn ngang", giá trị kinh tế đem lại thấp. Sau khi được xã lựa chọn vận động tham gia mô hình, các hộ đầu tư tiền, công để cải tạo vườn tược, làm hàng rào cây xanh quanh khuôn viên, chú trọng chọn loài cây có chất lượng, hợp thổ nhưỡng.

Tham gia mô hình, các hộ dân đã thay đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, góp phần tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho các hộ làm nghề nông. Về lâu dài, mô hình sản xuất này sẽ từng bước kết nối thị trường, xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ...

 Phát triển 10-15 vườn mẫu

Ông Phạm Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, ngoài các vườn mẫu đã xây dựng, năm 2019, xã dự kiến phát triển thêm 10-15 vườn mẫu. Qua khảo sát, đánh giá, Quảng Phú là vùng có địa thế thuận lợi, chất đất tươi tốt nhờ nằm ven sông Bồ, cộng với mức đầu tư vườn mẫu không lớn, các giải pháp khoa học kỹ thuật đa phần được người dân vận dụng vào sản xuất, nên việc xây dựng và phát triển mô hình này có tính khả thi cao.

Hiện trên địa bàn xã có nhiều vườn "tiệm cận" và phù hợp để xây dựng vườn mẫu theo Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu của tỉnh giai đoạn 2018-2020 đề ra. Tuy nhiên, một số hộ chưa mạnh dạn đổi mới, còn tâm lý "chặt cây này tiếc cây kia", nên nhiều vườn chưa ngăn nắp, nhiều cây tạp. Một số gia đình tuy có vườn rộng nhưng lại để đất trống, chưa tận dụng phát triển sản xuất do không có người lao động và thiếu kinh phí đầu tư cải tạo, chăm sóc.

Theo ông Phạm Văn Lợi, ngoài những khó khăn về mặt chủ quan, ngay cả chính quyền địa phương cũng đang lo lắng và bàn giải pháp để giải bài toán kết nối đầu ra sản phẩm nông sản cho người dân. Sản phẩm làm ra hiện đều do bà con tự chủ động tiêu thụ, nên giá bấp bênh. Chính vì khó nhận định thị trường nên việc canh tác cây nông sản của người dân có lúc chưa đúng hướng, đúng thời điểm. Chẳng hạn lúc trồng sắn giá không cao, nhưng chuyển sang trồng mía thì giá sắn lại tăng. Hay một số diện tích trồng nghệ cũng chưa tìm được đầu ra.

Thời gian tới, để mô hình đạt hiệu quả, nhân rộng ra toàn dân cư, xã đang xem xét, đề xuất hỗ trợ một phần kinh phí để kích thích, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chỉnh trang vườn tược, hàng rào, hệ thống tưới tiêu, giống...; cho đi tham quan học tập mô hình ở các địa phương thực hiện tiêu biểu; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi bao tiêu cung ứng sản phẩm.

Nhờ tập trung cải tạo, có hệ thống tưới tiêu, giàn che, kỹ thuật chăm sóc khoa học, một số vườn mẫu như của ông Nguyễn Máy, thôn Bao La- Đức Nhuận; Phan Văn Yên, thôn Hà Cảng... với các loại cây rau màu, bông lý, bưởi, ổi, hoa đất... không chỉ đem lại thu nhập mỗi hộ từ 20- 30 triệu đồng/năm, mà còn cải tạo môi trường xanh, đáng sống cho gia đình, xóm giềng.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Sau sáp nhập là tăng tốc

Song song với việc khẩn trương, nghiêm túc trong thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, huyện Phú Lộc nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

Sau sáp nhập là tăng tốc
GIÁO SƯ SATOH SHIGERU:
Hiếm nơi nào có cảnh quan văn hóa sơn thủy như Huế

Trong hơn 25 năm cộng tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Giáo sư (GS) Satoh Shigeru - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu cảnh quan và quy hoạch đô thị Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Trường đại học Waseda Nhật Bản - đã có nhiều phát hiện thú vị về cảnh quan sơn thủy của Huế. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn GS. Satoh Shigeru xung quanh những phát hiện thú vị này.

Hiếm nơi nào có cảnh quan văn hóa sơn thủy như Huế

TIN MỚI

Return to top