ClockThứ Sáu, 12/09/2014 07:10

Gặt lúa chạy lũ

TTH - Toàn tỉnh còn hơn 1.500 ha lúa hè thu chưa thu hoạch xong. Bà con nông dân đang tranh thủ gặt đêm để tránh lũ.

Tranh thủ gặt lúa ở vùng thấp trũng

Do đang vào vụ thu hoạch lúa đại trà nên giá gạo trên địa bàn TP Huế có giảm so với thời điểm trước tháng 8-2014 với mức giảm dao động từ 1.000-1.500đ/kg. Trong đó, một số loại gạo do người dân trên địa bàn sản xuất như gạo thơm Huế có giá 11.000đ/kg, gạo Hương thơm Thủy Thanh có giá 13.000đ/kg, Hương Cốm giá 16.000đ/kg, Khang dân 11.000đ/kg… hiện rất được người dân ưa dùng và tiêu thụ mạnh. Chị Tôn Nữ Thị Phú, kinh doanh gạo ở chợ Bến Ngự cho biết: “Trước đây người dân chủ yếu chọn mua các loại gạo nhập từ Sài Gòn, Quảng Trị, Quảng Bình như gạo Bồ Câu, Cỏ May, Hương Thái, gạo Đài Loan mặc dù giá các loại gạo này thường cao hơn gạo Huế trên dưới 3.000đ/kg, song qua nhiều lần phát hiện gạo nhập từ các tỉnh, TP khác không đảm bảo chất lượng, hiện người dân bắt đầu chuyển sang dùng gạo do người dân trong tỉnh sản xuất nên gạo Huế hiện tiêu thụ khá mạnh, tăng trên 30% so với trước.
Thanh Hương

Hơn 25.000 ha lúa hè thu toàn tỉnh đến nay cơ bản đã gặt xong, năng suất bình quân ước đạt 58,4 tạ/ha, cao hơn 8 tạ so với vụ hè thu trước. Còn lại khoảng 1.500 ha ở các vùng thấp trũng và vùng cao A Lưới bị ngập nước do những trận mưa vừa qua nên thu hoạch chậm. Tránh thiệt hại do mưa lũ sắp về, nhiều bà con nông dân tranh thủ gặt đêm. Nông dân xã Hương Phong (Hương Trà) tích cực thu hoạch những diện tích lúa nếp còn lại gần cả trăm ha. Anh Đặng Duy Phán ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong chia sẻ: “Gia đình hiện vẫn còn 5 sào chưa thu hoạch. Lo mưa lũ cận kề nên hai vợ chồng phải thức khuya đến 1-2 giờ sáng để gặt”. Anh Đặng Duy Phụng ở Bàu Hạ cũng tỏ ra lo lắng khi 8 sào lúa nếp đến nay vẫn chưa gặt. Anh đang thuê các chủ máy gặt đập liên hợp để thu hoạch chạy lũ.

Anh Đặng Duy Phú, nông dân ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong tâm sự: Còn hơn 10 sào lúa nếp nên phải huy động cả gia đình tập trung thu hoạch”. Anh Phú vừa là nông dân, cũng là một trong những chủ hai máy gặt đập liên hợp, cho hay, những trận mưa vừa qua làm nhiều diện tích lúa thấp trũng trên địa bàn xã bị ngập, gây khó khăn trong việc thu hoạch. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ thu hoạch lúa tại địa phương. Hơn một tuần nay, hai máy gặt đập liên hợp của anh hoạt động thường xuyên, gặt cả ngày lẫn đêm.
Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức cho biết, sau những đợt mưa vừa qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các hợp tác xã, đơn vị quản lý tháo mở toàn bộ các cống để thoát nước trong đồng ruộng, tạo thuận lợi cho việc gặt lúa. Các máy gặt đập liên hợp vào được tận đồng ruộng để tham gia thu hoạch. Ngoài một số máy gặt thô sơ, bà con gặt bằng tay, trên địa bàn xã có 3 máy gặt đập liên hợp nên việc thu hoạch lúa khá nhanh gọn. Số diện tích còn lại chưa thu hoạch xong, chính quyền địa phương khuyến khích, vận động nông dân, chủ các máy gặt liên hợp tranh thủ thu hoạch đêm nhằm kịp thời tránh lũ. Theo tiến độ và những nỗ lực của nông dân, khoảng vài ngày tới, toàn xã sẽ hoàn thành việc thu hoạch lúa hè thu.
Tại một số địa phương như Hương Vinh (Hương Trà), xã Phú Thanh (Phú Vang) vẫn còn nhiều diện tích lúa bị ngập, thu hoạch chậm. Mấy ngày nay, tranh thủ nước rút đến đâu, người dân gặt đến đó. Thậm chí gặt lúa đêm. Ông Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh thông tin, trên địa bàn còn hơn 5 ha vùng thấp trũng bị ngập nước nên thu hoạch chậm. Chính quyền địa phương vận động nông dân thuê máy gặt đập liên hợp và tranh thủ gặt đêm nhằm tránh thiệt hại trước mùa mưa bão.
Ông Hồ Đính, Phó Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vui mừng trước những nỗ lực của bà con nông dân trong việc tranh thủ thu hoạch lúa ban đêm để tránh lũ. Số diện tích còn lại chưa thu hoạch chủ yếu tập trung ở những vùng thấp trũng ở Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền và huyện A Lưới... Mùa mưa lũ đang cận kề, nhất là áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên biển đông, tiến vào đất liền nên các địa phương cần động viên bà con tranh thủ thu hoạch nhanh gọn, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Một số nơi nếu ngập sâu, nước không thoát kịp cần phải vận hành các trạm bơm để tổ chức tiêu úng nhằm thuận lợi cho việc thu hoạch. Riêng tại huyện A Lưới còn trên 500 ha gieo cấy chậm nên đến nay lúa vẫn chưa chín. Ngành nông nghiệp huyện, phối hợp với các địa phương tổ chức vận động, hướng dẫn bà con tuân thủ phương châm “lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó”.

 

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường, gió mạnh trên biển

Ngày 8/1, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố Huế đã ban hành công văn số 02/PCTT gửi các cơ quan, đoàn thể; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện và thị xã; các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn thành phố về việc chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường, gió mạnh trên biển.

Chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường, gió mạnh trên biển
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

TIN MỚI

Return to top