ClockThứ Tư, 09/06/2021 06:19

Dự án hiệu quả, người dân hưởng lợi

TTH - Với khoảng 250 nghìn người dân trên địa bàn các địa phương và vùng lân cận được hưởng lợi từ Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung tại Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA), thông qua việc tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân và nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (SXNN).

Hơn 190 dự án hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 240 tỷ đồngĐưa 3 tuyến đường dân sinh liên xã hơn 18 tỷ đồng vào sử dụngBộ Công Thương 'hỏa tốc' xin ý kiến xuất khẩu gạo nếp

Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung tại Thừa Thiên Huế góp phần bảo vệ hàng nghìn ha lúa tại các địa phương (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Nhìn từ địa phương

Thừa Thiên Huế tham gia vào DA - khoản vay bổ sung (pha 2) với 3 tiểu dự án thành phần. Lấy trọng tâm là phục vụ SXNN, DA tại Thừa Thiên Huế nhằm giải quyết các vấn đề bất cập về điều kiện tự nhiên của tỉnh, với 3 dự án thành phần: Nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm; nâng cấp giao thông kết hợp đê ngăn lũ Phổ Lại - Thanh Cần - Nam Dương - Cổ Tháp và nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang.

Nhiều năm nay, lưu vực sông Đại Giang (địa phận xã Vinh Thái và xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) là nơi thường xuyên xảy ra ngập úng mùa mưa lũ và xâm nhập mặn vào mùa khô. Hệ thống đường giao thông lầy lội, trơn trượt là nỗi ám ảnh của nhiều người dân địa phương.

Ông Hồ Đắc Xã (thôn Hà Kênh, xã Vinh Thái) cho biết, SXNN tại địa phương trước đây đa phần chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết. Từ lũ tiểu mãn cho đến các lũ lớn do công trình thủy lợi, giao thông nội đồng chưa chủ động ứng phó được. Địa bàn thôn có hơn 70% hộ thuần nông thường xuyên chứng kiến những trận lũ lịch sử, tổn thất lớn đến hoạt động SXNN. Tình trạng ngập lũ, mưa bão triền miên, đê cũ không ngăn chắn, bảo vệ nổi đồng ruộng dẫn đến nhiều vụ mùa bị ngập trắng.

Từ khi dự án thành phần “Nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang” đi vào hoạt động tạo nên hệ thống đê kết hợp giao thông liên hoàn, trở thành tuyến đường huyết mạch và hình thành sự kết nối giao thông thuận lợi cho các khu vực trong vùng dự án và vùng lân cận, góp phần nâng cao đời sống KT-XH cho dân cư trong khu vực.

Cụ thể, khi đê sông Đại Giang đi vào hoạt động, đồng ruộng trước đây chỉ làm được một vụ giờ lên 2 vụ, đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân. Ngoài chức năng bảo vệ các xứ đồng bên trong còn kết hợp hệ thống giao thông giúp người dân đi lại.

Hệ thống thủy lợi - giao thông mới còn giúp cộng đồng dân cư tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế, trường học, chợ và các cơ quan hành chính; cải thiện giá trị nông sản, nâng cao năng suất sản lượng, tạo nguồn thu nhập tốt hơn cũng như thay đổi diện mạo SXNN trong vùng.

Công trình Cống Quan giúp ngăn mặn, bảo đảm nước cho sinh hoạt và sản xuất

250.000 dân hưởng lợi

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ DA những bất cập nhiều năm nay về phát triển hạ tầng giao thông - thủy lợi, tăng cường khả năng kết nối dịch vụ cho người dân trên địa bàn đã được giải quyết. Có khoảng 250.000 dân trong vùng dự án và vùng lân cận được hưởng lợi. Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất được triển khai thi công trong giai đoạn từ năm 2016-2019 ở các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, những dự án thành phần được triển khai tại địa bàn tỉnh đã tập trung giải quyết các vấn đề về hệ thống tưới tiêu, nâng cấp kênh mương, tái thiết và xây dựng hệ thống giao thông nông thôn; trong đó có cầu Cống Quan, hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Đơn cử, công trình nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang đã đạt mục tiêu, kết hợp với tuyến đê, ngăn lũ sớm, lũ muộn của lưu vực Nam sông Hương để bảo vệ cho hơn 5.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Khi đóng cửa Cống Quan, sẽ giúp ngăn mặn, nước mặn không dâng lên được phía thượng lưu, đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất.

“Chúng tôi đã mở rộng khẩu độ, tạo thông thoáng để giảm lũ cho sông Hương và tiêu thoát lũ cho khu vực này. Trước khi có công trình này, việc thoát lũ bị ảnh hưởng lớn, vào mùa khô có nước biển tràn vào. Sau khi công trình này được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả”, ông Giang cho biết.

Ngoài nâng cấp hệ thống thủy lợi - giao thông nội đồng, DA đã tiến hành tập huấn nâng cao năng lực sản xuất góp phần tăng thu nhập, cải thiện môi trường sống của các hộ dân trong vùng dự án.

Ban quản lý DA tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch công việc, huy động sự tham gia của người dân. Mỗi lớp tập huấn theo mô hình có 30 người dân tham gia. Phương pháp tập huấn chú trọng thực hành, tập huấn trên đồng ruộng theo mô hình trình diễn kết hợp thảo luận, đúc rút kinh nghiệm sản xuất từ thực tế của địa phương.

Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh phối hợp với các trạm khuyến nông Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thực hiện công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật theo quy trình, tổ chức thực hiện mô hình SXNN đảm bảo đúng thời vụ, đúng kỹ thuật.

Đến nay các dự án thành phần đã thực hiện thành công tổng cộng 91 lớp tập huấn nâng cao năng lực và triển khai thành công 13 mô hình với 3.249 người dân được tập huấn, trong đó có 1.412 nữ (đạt tỷ lệ 43%, cao hơn yêu cầu là 40%).

Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung (pha 2) được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung, được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với mục tiêu cải thiện sinh kế và mức sống của người dân nông thôn tại các tỉnh miền Trung.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm, từ tháng 6/2015 đến tháng 6/2019 với tổng nguồn vốn hơn 2.051 tỷ đồng. Theo đó, 24 tiểu dự án thành phần đã được hoàn thành, nâng cao năng lực tưới phục vụ 42.000 ha cây nông nghiệp. Đồng thời, có tất cả 1,2 triệu dân trong vùng dự án được hưởng lợi.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

Dự án (DA) Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (gọi tắt DA Đô thị xanh) với mục tiêu chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng đang mang lại diện mạo “xanh - sạch - sáng” cho đô thị Huế.

Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

TIN MỚI

Return to top