ClockThứ Bảy, 23/01/2021 06:45

Cần giải pháp chăn nuôi an toàn

TTH - Ngày 22/1, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh đã có báo cáo về kết quả kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi trên địa bàn huyện A Lưới sau chuyến kiểm tra từ 15-19/1 về hiện trạng, nguyên nhân việc gia súc tại đây bị chết thời gian qua.

Triển khai các giải pháp “cứu” trâu bò ở A LướiThành lập đoàn công tác đánh giá nguyên nhân trâu bò chết ở A Lưới

Hướng dẫn người dân chống rét cho trâu bò

Thiếu thức ăn xanh

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết, qua báo cáo của Phòng NN&PTNT; Trung tâm DVNN huyện; UBND các xã Lâm Đớt, Đông Sơn, từ tháng 12/2020, một số vùng trũng tại huyện A Lưới do mưa kéo dài gây úng đồng cỏ (nhiều vùng đất sét cao lanh khó thấm nước) và một số cây thức ăn xanh không phát triển được nên trâu, bò bị thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Đến đầu tháng 1/2021, nhiệt độ xuống thấp gây rét đậm, rét hại và độ ẩm cao do mưa khiến một số gia súc già, gia súc non bị chết.

“Ngoài lý do khách quan do thời tiết thì hầu hết trâu, bò, dê bị chết do tập quán thả rông, chủ nuôi không dự trữ đủ thức ăn để cho ăn bổ sung làm cho gia súc kiệt quệ và chết. Nhiều nơi ở A Lưới do thả rong gia súc trong rừng khi mưa rét không thể lùa vật nuôi về chuồng kịp nên chết trong rừng phải gánh về. Rất nhiều lần chúng tôi triển khai các chương trình tiêm phòng, chống dịch bệnh trên gia súc khi triển khai tại địa bàn huyện A Lưới số lượng tiêm rất ít vì đa số gia súc được chăn thả trên các vùng rừng xa”, ông  Hưng đánh giá.

Trước đó, Phòng NN&PTNT huyện A Lưới đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng về tình hình thiệt hại gia súc do mưa rét trên địa bàn. Theo đó, tổng số gia súc chết do mưa rét từ đầu mùa đến nay là 909 con (trên tổng số 22.252 con toàn huyện). Trong đó, có 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá đây là con số thiệt hại rất lớn đối với tỉnh không nằm trong khu vực trọng điểm rét đậm, rét hại và còn lớn hơn tổng thiệt hại các tỉnh miền núi phía Bắc-  khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt rét đậm thời gian vừa qua từ tháng 12/2020 cho đến nay.

UBND huyện A Lưới đã yêu cầu Phòng NN&PTNT và các địa phương khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện trong điều kiện thời tiết tiếp tục có mưa rét như hiện nay.

UBND huyện yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống đói, rét.

Hỗ trợ nông dân

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng thông tin, đợt rét đậm vừa qua, trên địa bàn xã có khoảng 90 gia súc (trâu, bò, dê) bị chết rét, gây thiệt hại cho bà con. Nguyên nhân ngoài mưa rét kéo dài còn do người dân không chủ động được nguồn thức ăn. Địa phương đã vận động, hỗ trợ bà con trên địa bàn dự trữ thức ăn, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có như chuối, cỏ để phối trộn với thức ăn tinh; đặt đá liếm trong chuồng để bổ sung lượng khoáng chất thiếu hụt cho gia súc và hỗ trợ vật liệu, hướng dẫn che chắn chuồng trại cho các hộ nuôi gia súc.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới khẳng định, hiện các địa phương cũng đã phân công cán bộ về các thôn, hộ gia đình kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện và áp dụng mọi biện pháp tại chỗ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp về phòng chống đói, rét cho gia súc và hỗ trợ người dân gia cố, che chắn chuồng, áo chắn gió cho trâu bò. Đặc biệt, chú trọng vùng trọng điểm, những nơi có nhiều gia súc nhỏ, yếu dễ chết vì mưa rét.

Trước mắt, UBND huyện A Lưới hỗ trợ thức ăn tinh cho trâu bò (khoảng 40 tấn cám gạo) để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Đến nay đã cấp 14 tấn cám gạo về cho các hộ chăn nuôi. Về lâu dài, sẽ triển khai hỗ trợ và hướng dẫn bà con nông dân cách dự trữ rơm khô (dựng cây rơm); hỗ trợ đầu tư máy cuốn rơm góp phần đảm bảo nguồn dự trữ thức ăn cho gia súc.

Qua làm việc, Chi cục CN&TY tỉnh đề nghị chính quyền huyện A Lưới, các địa phương, tiếp tục đôn đốc, thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Trong đó, quan tâm thực hiện các biện pháp như tiếp tục hỗ trợ cám, chuối cho các hộ nghèo, cận nghèo để cho trâu bò ăn bổ sung; tranh thủ những ngày nắng ấm để thu, cắt thức ăn thô xanh về dự trữ; bán loại thải gia súc già để lấy tiền mua thêm thức ăn tinh để cho ăn bổ sung (nhất là gia súc non và gia súc mang thai); hướng dẫn bà con mặc áo chống rét cho trâu bò; vận động các hộ che chắn, gia cố chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm và lùa trâu, bò thả rông về nuôi nhốt trong những ngày mưa rét.

Chi cục CN&TY tỉnh đề nghị UBND huyện A Lưới tiếp tục phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn để kiểm tra, rà soát các đối tượng bị thiệt hại, điều kiện hỗ trợ, trình tự, thủ tục, đơn, biểu mẫu tổng hợp theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để báo cáo số lượng chính thức và hỗ trợ người dân có gia súc thiệt hại.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững

Xử lý nước thải tại Huế là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố. Với sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp, các giải pháp xử lý nước thải không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là những di sản văn hóa và thiên nhiên quý giá của Huế.

Giải pháp xử lý nước thải tại Huế- Giải pháp phát triển bền vững
Đồng bộ giải pháp để hạn chế tình trạng ngập đường khi mưa lớn

Các ngầm tràn, cống không đảm bảo thoát nước đã dẫn đến tình trạng ngập trên nhiều đoạn đường tại các địa phương ở huyện Phú Lộc khi mưa lớn. Bên cạnh giải pháp nâng cấp, sửa chữa, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để tránh các loại rác thải sinh hoạt rơi đọng, gây tắc nghẽn cống.

Đồng bộ giải pháp để hạn chế tình trạng ngập đường khi mưa lớn
Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

TIN MỚI

Return to top